Yên tĩnh đã trở lại nước Pháp

TP - Hơn 3.500 người đã bị bắt liên quan đến làn sóng bạo loạn ở Pháp sau cái chết của một thiếu niên 17 tuổi gốc Bắc Phi. Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin báo cáo trước Thượng viện Pháp trong phiên điều trần kéo dài một tiếng rưỡi, ngày 6/7.

Có từ 8.000 đến 12.000 người đã tham gia vào các cuộc bạo loạn trong vài ngày qua. Khoảng “10% trong số đó là người không mang quốc tịch Pháp”, ông Darmanin tiết lộ. Gần 2/3 những người bị bắt không có tiền án tiền sự và không có trong danh sách giám sát của cảnh sát.

Tình trạng bất ổn đã gây ra hơn 23.000 vụ cháy, 12.000 phương tiện bị đốt và hơn 2.500 tòa nhà bị phá hủy hoặc hư hại, bao gồm 273 tòa nhà cảnh sát, 105 tòa thị chính và 168 trường học. Các cuộc bạo loạn cũng liên quan đến 17 vụ tấn công vào “các quan chức dân cử”, và khiến khoảng 800 cảnh sát, hiến binh bị thương.

Yên tĩnh đã trở lại nước Pháp ảnh 1

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin tuyên bố bạo loạn đã chấm dứt trên toàn bộ “đất nước hình lục lăng”. Ảnh minh họa: AP

Bộ trưởng Nội vụ cũng bác bỏ thông tin cho rằng, cảnh sát Pháp dường như gia tăng việc nổ súng vào các phương tiện sau khi tài xế từ chối tuân thủ mệnh lệnh. Ông khẳng định số vụ như vậy đang giảm dần, từ 255 vụ năm 2017 xuống còn 168 vụ vào năm 2022. Trường hợp các sĩ quan cảnh sát sử dụng vũ khí “ngày càng ít đi” mặc dù tỷ lệ người lái xe không tuân thủ mệnh lệnh gia tăng, theo RT.

Tình trạng bất ổn bùng phát sau vụ một sĩ quan cảnh sát bắn tử vong thiếu niên 17 tuổi Nahel Merzouk ở ngoại ô thủ đô Paris hôm 27/6. Merzouk được cho là đã cố gắng lái xe bỏ chạy sau khi bị cảnh sát chặn lại. Những người biểu tình ở các thành phố trên khắp nước Pháp đã xuống đường để bày tỏ sự tức giận trước cách đối xử với cộng đồng chịu thiệt thòi, và đặt ra câu hỏi liệu chủng tộc có phải là một yếu tố dẫn đến cái chết của Merzouk hay không.

Thiệt hại nặng nề về kinh tế

“Chúng ta có thể thấy sự yên tĩnh đã trở lại trên toàn quốc nhưng vẫn rất cảnh giác trong những giờ và ngày tới”, Bộ trưởng Nội vụ Darmanin nói.

Hãng tin CNN ngày 6/7 dẫn nguồn Hiệp hội Doanh nghiệp Pháp (MEDEF) cho biết các cuộc bạo loạn kéo dài một tuần qua ở nước này đã gây ra thiệt hại hơn một tỷ euro.

Người biểu tình đã tấn công gần 400 chi nhánh ngân hàng và hơn 1.000 cửa hàng, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với kênh truyền hình BFMTV của CNN. Ông Le Maire cũng đánh giá thấp tác động của cuộc bạo loạn đối với nền kinh tế Pháp. “Các cuộc bạo loạn sẽ không tác động sâu sắc đến sự phát triển của Pháp”, ông nói.

Ngày 5/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin rằng “đỉnh điểm” của bạo lực đã qua. Phát biểu trước thị trưởng của 241 thành phố bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình, ông Macron hứa sẽ “hỗ trợ hoàn toàn”. Theo đó, thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội sẽ được hoãn lại đối với các cửa hàng đã bị tấn công và hủy bỏ hoàn toàn đối với những cửa hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Người đứng đầu nước Pháp cho biết, các doanh nghiệp sẽ có 30 ngày thay vì 5 ngày để yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

Theo DBRS Morningstar, một cơ quan xếp hạng tín dụng, những khiếu nại đó có thể liệt kê tổng thiệt hại ước tính lên đến 1 tỷ euro. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa bao gồm thiệt hại đối với trường học, tòa thị chính và trung tâm cộng đồng. DBRS Morningstar cho biết, chính phủ Pháp chịu trách nhiệm một phần đối với một số tổn thất trên. Nhưng những tổn thất vì gián đoạn kinh doanh do phá hoại, cướp bóc… dường như sẽ không được nhà nước chi trả.

Các công ty Pháp hiện đang chuẩn bị tinh thần để hứng chịu nhiều tổn thất hơn khi du khách, vì hoảng sợ trước những hình ảnh bạo lực và hỗn loạn trên khắp nước Pháp, sẽ không đi du lịch tới một trong những điểm đến nổi tiếng nhất thế giới. Chủ tịch MEDEF Geoffroy Roux de Bezieux cho biết, đến đầu tháng 7, khách du lịch nước ngoài đã hủy 20-25% các chuyến đi theo kế hoạch đến Paris.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 6/7, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tiền Phong đề nghị cho biết các vụ bạo loạn gần đây tại Pháp có ảnh hưởng đến cuộc sống của người Việt ở nước này hay không? Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Liên quan đến tình hình tại một số thành phố của Pháp trong thời gian gần đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã thường xuyên theo dõi diễn biến, cử người túc trực đường dây nóng và sẵn sàng hỗ trợ kịp thời công dân Việt Nam trong trường hợp gặp khó khăn hoặc bị ảnh hưởng. Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, cho đến nay, chưa ghi nhận được bất cứ một trường hợp người Việt Nam nào bị ảnh hưởng từ vụ việc này.

HÀ THU

Tin liên quan