"Trưng bày" hình ảnh ảo
Một trong những nguyên nhân dẫn đến áp lực đồng trang lứa đến từ quá trình giáo dục, kỳ vọng của gia đình và những tác động của xã hội. Nhiều gia đình có thói quen so sánh con mình với bạn bè xung quanh khiến bạn trẻ lớn lên luôn phải "dòm ngó" xem những người khác cùng độ tuổi sẽ ra sao, còn bản thân lại không nhìn vào chính họ.
Hơn nữa, khi mạng xã hội phổ biến mọi nơi, mọi độ tuổi, việc “trưng bày” những hình ảnh lung linh, huyền ảo không có kiểm chứng càng khiến cho áp lực đồng trang lứa trở nên nặng nề.
Bạn Nguyễn Phương Anh (sinh viên năm 2, trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, chưa bao giờ cô cảm thấy áp lực đồng trang lứa lại hiện hữu đến vậy.
“Mỗi lần lướt Facebook, chẳng cần lướt lâu để mình gặp bài viết của một người bạn cấp 3 khoe bản thân vừa được trúng tuyển làm việc ở một công ty lớn; những bạn cùng lớp đạt được học bổng của trường hay các em khoá dưới đoạt giải cao ở một cuộc thi nào đó; những bạn cấp 2 khoe đạt được IELTS 8.0 – 9.0... Cảm giác thật buồn khi đang học chung lớp nhưng mình lại không làm được. Mình thực sự cảm thấy áp lực và bắt đầu so sánh bản thân với những người này”, Phương Anh chia sẻ.
Áp lực đồng trang lứa xuất hiện từ nhiều khía cạnh của cuộc sống nhưng nguyên nhân lớn nhất có phải do chúng ta chưa thực sự hiểu và tin tưởng chính mình?
Mặc dù là sinh viên có những thành tích học tập nhất định nhưng Ngọc Ánh vẫn luôn cảm thấy tự ti vì nghĩ rằng bản thân chưa có đủ năng lực, chưa đủ giỏi so với các bạn trong lớp.
“Khi còn là học sinh đi học ở quê, mình luôn đạt thành tích cao trong học tập và được bố mẹ tin tưởng nhiều. Nhưng khi lên đại học, mình mới nhận ra rằng kiến thức ấy, thành tích ấy thật nhỏ bé, không là gì so với các bạn cùng trang lứa, cùng lớp, cùng trường.
Điều đó khiến bản thân mình cảm thấy chạnh lòng và buồn khi cùng lứa tuổi với nhau mà mình lại không thể cố gắng được như họ. Đó cũng là lý do khiến mình ngại tiếp xúc với bạn bè nhiều hơn và dần thu mình lại”, Ngọc Ánh tâm sự.
Với Thành Công (sinh viên năm 4, Đại học Thương Mại), em là con trai cả của gia đình nên được bố mẹ kỳ vọng rất nhiều về thành tích học tập và công việc ổn định. "Vì vậy, mình luôn đặt nặng vấn đề phải ổn định kinh tế từ sớm, để có thể chăm lo cho em nhỏ và bố mẹ. Nhìn thấy nhiều bạn bè bằng tuổi đã có thể kiếm tiền gửi về quê cho gia đình càng khiến bản thân mình phải chăm chỉ, phấn đấu nhiều hơn nữa. Mình cũng đang đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập nhưng từng đó là chưa đủ”, Công nói.
Phương Anh, Ngọc Ánh đang đối mặt với áp lực đồng trang lứa và đang nỗ lực tìm cách "chữa lành". |
Học cách chấp nhận
“Áp lực đồng trang lứa” là một “con dao hai lưỡi”. Không hẳn những áp lực hay mọi sự so sánh đều xấu nếu mỗi bạn trẻ biết dùng đúng lúc, đúng chỗ, với liều lượng vừa đủ để biến thành động lực cố gắng. Nhưng một khi áp lực trở thành gánh nặng, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của các bạn sinh viên.
Mai Linh (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Ở lứa tuổi nào cũng có thể gặp phải áp lực này, sẽ không tránh khỏi những lúc bản thân cảm thấy tự ti, thua kém người khác. Nhưng chính lúc như vậy mình mới chợt nhận ra rằng không phải ai cũng có xuất phát điểm như nhau, ai cũng có cho mình những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Nên hãy cứ là chính mình.
Mình đã vượt qua được áp lực đồng trang lứa bằng cách tập trung vào bản thân nhiều hơn, không quan tâm tới những thứ mà bản thân không quyết định được, mình đặt ra những mục tiêu rõ ràng, có chí hướng phấn đấu hơn. Chính những áp lực đó mới có mình của ngày hôm nay, một con người tự tin và trưởng thành hơn rất nhiều”.
Học cách chấp nhận điểm yếu của bản thân để vượt lên áp lực đồng trang lứa. Ảnh: C.L |
Dưới góc nhìn là một chuyên gia về văn hóa, xã hội học, Th.S. Võ Văn Sơn (Giảng viên môn Khoa học xã hội, Trường Đại học Tiền Giang) nhận định: “Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng mạng xã hội đã tác động lớn đến mọi lĩnh vực hoạt động và đời sống sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ. Bên cạnh nhiều tiện ích, mạng xã hội cũng gây ra không ít hệ lụy, bởi sự ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở cường độ tiếp xúc, mà nguy hiểm hơn là những nội dung thông tin, hình ảnh không lành mạnh đã tác động xấu đến giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên. Ngoài ra, việc kiến tạo một cuộc đời ảo trên mạng xã hội là con dao hai lưỡi và có những tác hại, sinh viên dễ biến thành “nô lệ" của mạng”.
Áp lực đồng trang lứa còn được gọi là áp lực từ bạn bè. Áp lực từ bạn bè có thể trở thành một vấn đề lớn nếu sinh viên không biết cách kiểm soát nó. Vì vậy, Th.S Võ Văn Sơn đưa ra các giải pháp giúp sinh viên giảm bớt áp lực đồng trang lứa:
Nỗ lực để hoàn thiện bản thân;
Lựa chọn những người bạn tích cực;
Không so sánh bản thân với bất cứ ai; Xác định mục tiêu riêng để vượt qua áp lực đồng trang lứa;
Xử lý ảnh hưởng từ áp lực đồng trang lứa (viết nhật ký, chọn một nhóm bạn khác, dành thời gian cho hoạt động lành mạnh);
Chia sẻ với người thân và bạn bè hay các chuyên gia tư vấn tâm lý...
“Để sinh viên nâng cao sức khỏe tinh thần và không dễ gãy vỡ trước sự so sánh của bạn bè, gia đình cần khuyến khích sinh viên tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa; duy trì thói quen tập thể dục, hạn chế thức khuya, hoạt động qua đêm; tìm một thói quen chăm sóc bản thân, thư giãn tinh thần như thiền định, viết nhật ký, làm thủ công, đọc sách”, chuyên gia chia sẻ thêm.