Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm Vùng Chernihiv hôm 3/4. (Ảnh: AP) |
Trước đó, Đức đã áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn so với một số đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong những tháng đầu sau khi xung đột Ukraine bùng phát.
Phó Thủ tướng Habeck, đồng thời giữ chức Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề kinh tế, kể lại việc Tổng thống Zelensky đã cảnh báo ông vào năm 2021 rằng một cuộc xung đột với Nga có thể nổ ra.
Theo ông Habeck, mặc dù giới lãnh đạo Đức không thực sự chú ý đến lời kêu gọi viện trợ vũ khí của Kiev trong thời gian đầu, nhưng sau đó họ đã “thay đổi quan điểm”. Dù vậy, quá trình này vẫn mất quá nhiều thời gian, ông Habeck nói.
Khi đến thăm Ukraine với tư cách là đồng lãnh đạo Đảng Xanh của Đức vào năm 2021, ông Habeck đã kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel cung cấp vũ khí cho Kiev, cho rằng “họ không chỉ chiến đấu cho chính họ mà còn bảo vệ an ninh của châu Âu”. Tuyên bố đã bị chỉ trích ở Đức vào thời điểm đó, bao gồm cả từ chính đảng của ông Habeck.
Bất chấp những e ngại ban đầu, thời gian gần đây Đức đã bắt đầu cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tinh vi và pháo tự hành.
Cuối tháng 1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố sẽ chuyển giao hàng chục xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Ukraine, đồng thời ủy quyền cho những quốc gia khác sử dụng xe Leopard chuyển giao chúng tới Ukraine.
Nga cảnh báo Đức rằng nước này đang ngày càng can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine, điều đó có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với NATO. Điện Kremlin cũng tuyên bố rằng vũ khí được gửi tới Kiev sẽ chỉ làm kéo dài cuộc giao tranh một cách không cần thiết và không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi trên chiến trường.