Nguyễn Quốc Việt, chân sút số một của U20 Việt Nam và những bí mật chưa bao giờ được kể

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhìn vào quá trình thăng tiến qua từng năm với danh xưng "Vua giải trẻ", nhiều người nghĩ rằng mọi thứ với Nguyễn Quốc Việt thật dễ dàng. Nhưng không phải, nó có thể đã kết thúc ngay khi mới bắt đầu...
Nguyễn Quốc Việt, chân sút số một của U20 Việt Nam và những bí mật chưa bao giờ được kể ảnh 1

Khi Nguyễn Quốc Việt trở thành người hùng của U20 Việt Nam, không chỉ gia đình anh dâng trào hạnh phúc. Đó còn là niềm vui chung của cả xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Tuy nhiên họ không bất ngờ, bởi đã quen với việc Quốc Việt là người hùng từ khi anh… học lớp 4.

Hồi ấy Quốc Việt còn là cậu nhóc ở trường Tiểu học Thị trấn Núi Đèo, ngôi trường thành lập từ năm 1984 và luôn khao khát một lần vô địch giải bóng đá thiếu nhi. Phải nói thêm rằng xã Thủy Đường rất mê bóng và phong trào lên rất cao. Thế nên cô hiệu trưởng vẫn ao ước được chứng kiến khoảnh khắc trường Tiểu học Thị trấn Núi Đèo nâng Cúp. Và Quốc Việt, cậu nhóc học lớp 4 nhưng chung đội với các anh lớp 5 đã biến giấc mơ thành hiện thực, mang chiếc Cúp về phòng truyền thống.

Những sân bóng phủi ở Thủy Đường cũng không lạ gì cậu nhóc nhỏ bé nhưng nhanh như sóc. Bố Quốc Việt, ông Nguyễn Văn Vượt, từng là bầu đội phủi Bấc 1-2 nổi danh ở xã Thủy Đường. Ngọn lửa đam mê sớm được truyền sang Việt. Ông kể với báo Tiền Phong, “cứ mỗi lần bố dắt xe ra là đã thấy cu cậu đi tất, xỏ giày, mặc quần áo đánh số đàng hoàng chờ sẵn, sau đó cùng bố ra sân”.

Nguyễn Quốc Việt, chân sút số một của U20 Việt Nam và những bí mật chưa bao giờ được kể ảnh 2

Nguyễn Quốc Việt được truyền cảm hứng từ người bố đam mê bóng đá.

Những ngày đội của bố thi đấu, Quốc Việt ngồi ngoài quan sát và chỉ chờ đến giờ giải lao để vào sân, tập đi bóng và sút miệt mài. Được bố và các anh chỉ dạy, Việt nắm bắt rất nhanh, từ cách chạm bóng, qua người tới kỹ thuật dứt điểm, chạy đà, đặt trụ, vung chân hay điểm tiếp xúc. Vì sân phủi Thủy Đường rất khắc nghiệt. Quốc Việt không chỉ trui rèn các kỹ năng mà còn thành thạo cả… né đòn. Đó là lý do anh ít khi dính chấn thương, đồng thời không bao giờ để đối thủ bắt kịp hay đoán trước ý đồ.

Không ai ngạc nhiên khi Quốc Việt được gọi vào đội U11 Thành phố Hải Phòng năm lên 8, sau đó gia nhập lò đào tạo Viettel do đích thân danh thủ Hồng Sơn tuyển lựa. Nhằm chuẩn bị cho giải Nhi đồng toàn quốc vào đầu năm 2014, Việt được đưa tới đội U11 Hải Dương, một vệ tinh trong hệ thống đào tạo trẻ của Viettel cùng với Văn Khang, Văn Trường, Gia Kiệt.

Điều đặc biệt là ông Nguyễn Văn Vượt từng vô địch giải Nông thôn Mới toàn quốc tổ chức ở Hải Dương. Quốc Việt nối tiếp bố, cùng U11 Hải Dương lên ngôi vô địch trong khi bản thân cậu nhóc giành giải Cầu thủ tiêu biểu.

Nguyễn Quốc Việt, chân sút số một của U20 Việt Nam và những bí mật chưa bao giờ được kể ảnh 3Nguyễn Quốc Việt, chân sút số một của U20 Việt Nam và những bí mật chưa bao giờ được kể ảnh 4

Ông Nguyễn Văn Vượt trên sân bóng Quốc Việt từng chơi khi còn là cậu bé.

Câu chuyện về danh xưng “Vua giải trẻ” khởi phát từ đó. Nhìn vào quá trình thăng tiến qua từng năm mang đến cảm giác về một hành trình bằng phẳng. Nhưng không phải, nó có thể đã kết thúc ngay khi mới bắt đầu.

Sau chức vô địch Nhi đồng toàn quốc cùng U11 Hải Dương, lứa Quốc Việt quay về trung tâm Viettel. Qua 1 năm, Viettel tiến hành sàng lọc dựa trên số liệu đo xương để dự đoán chiều cao. Thật không may, số liệu nói rằng Quốc Việt sẽ không cao tới 1m7, vì vậy bị giải phóng hợp đồng.

Cánh cửa dẫn đến con đường cầu thủ chuyên nghiệp khép lại, nhưng Quốc Việt không từ bỏ. Cậu tìm kiếm cánh cửa khác bởi tin vào năng lực bản thân. Đồng thời Việt còn có sự hỗ trợ của bố, người hiểu cách vận hành của thế giới bóng đá và quyết tâm giúp con theo đuổi ước mơ.

Nguyễn Quốc Việt, chân sút số một của U20 Việt Nam và những bí mật chưa bao giờ được kể ảnh 5Nguyễn Quốc Việt, chân sút số một của U20 Việt Nam và những bí mật chưa bao giờ được kể ảnh 6

Quốc Việt trong màu áo đội trẻ U11 Hải Dương, bên cạnh Văn Khang, Văn Trường.

Vậy là Việt trở lại đội trẻ Hải Dương và tiếp tục chinh chiến ở các giải trẻ. Năm 2016, với những màn trình diễn ấn tượng ở giải đấu tổ chức tại Đắk Lắk, Việt lọt vào tầm ngắm của HLV Guillaume Graechen ở Học viện HAGL-JMG.

Theo thầy Giôm, cậu nhóc sinh năm 2003 “sở hữu đôi chân rất sắc, tư duy nhạy bén, di chuyển không bóng tốt và đặc biệt hiệu quả khi ghi bàn”. Sau này HLV Graechen luôn tự hào với quyết định của mình, và bản thân Quốc Việt cũng tin anh đã lựa chọn đúng. Tại Học viện HAGL-JMG và sau này là Nutifood JMG, tài năng của tiền đạo người Hải Phòng thực sự cất cánh.

Bây giờ Việt đã là một chàng trai cao 1m72, tuy không phải rất cao nhưng khiến người khác phải ngước nhìn.

Nguyễn Quốc Việt, chân sút số một của U20 Việt Nam và những bí mật chưa bao giờ được kể ảnh 7Nguyễn Quốc Việt, chân sút số một của U20 Việt Nam và những bí mật chưa bao giờ được kể ảnh 8

Những chiếc Cúp trong bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ của Quốc Việt.

Khi phóng viên báo Tiền Phong tới Thủy Đường, nhà Quốc Việt đang xây. Trong căn nhà bố mẹ Việt thuê tạm để kinh doanh và để đồ, Cúp, huy chương, bằng khen Việt từng giành được chất đầy ba thùng các tông. Trong đó bao gồm các danh hiệu Vua phá lưới giải U17, U19 (3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021) và U21 Quốc gia, U19 Đông Nam Á.

Tất cả đều hy vọng trước khi nhà mới xây xong với căn tủ được dành để trưng bày bộ sưu tập đồ sộ của “Vua giải trẻ”, nó sẽ được bổ sung thêm những chiến tích mới. Ví dụ ở chính giải U20 châu Á mà Quốc Việt đang thuộc tốp đầu danh sách ghi bàn, sau đó là tấm vé tới VCK U20 World Cup.

Tại ngôi nhà của bà nội Việt ở Thủy Đường, đại gia đình của Quốc Việt (bố anh là một trong 9 thành viên của gia đình) luôn dõi theo chàng tiền đạo mang áo số 14 của U20 Việt Nam. Và bà nội anh, bất chấp tuổi tác, không bỏ qua bất cứ trận nào của cháu trai. Rồi bà sẽ hô “thằng Việt ghi bàn rồi”, sau đó xem đi xem lại một cách say sưa bàn thắng vào ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa.

Yên tâm bà ơi, mọi nơi Việt đi qua đều có dấu ấn của những bàn thắng.

MỚI - NÓNG