Người dân phấn khởi
Anh Nguyễn Minh Phương (ngụ khu phố 13, phường Bình Hưng Hòa) cho biết, năm 2022 các ban ngành đoàn thể ở địa phương đã vận động xây dựng đường tạm ven kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (đoạn từ đường số 10 đến UBND phường). Mục tiêu của con đường tạm này là để học sinh hai trường tiểu học Lạc Hồng và trường THCS Lạc Long Quân thuận tiện đi lại và phụ huynh đưa đón con em dễ dàng.
“Việc hoàn thành dự án hứa hẹn góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu người dân trong khu vực rộng gần 15.000 ha, đồng thời sẽ hình thành tuyến giao thông thủy, giao thông bộ liên kết khu vực Bắc và Nam của thành phố, là cơ sở tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực”.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM
“Hiện trên tuyến đường ven bờ kênh này có nhiều người mang rác thải đến đổ trộm. Con kênh có một số đoạn bị cây cối che phủ, rác thải gây ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên, xộc vào mũi rất khó chịu. Từ rất lâu rồi, bà con sinh sống ven con kênh này mong chính quyền sớm thực hiện cải tạo môi trường, giải quyết ô nhiễm và xây dựng tuyến đường mới khang trang. Hôm nay chính quyền đã chính thức khởi công dự án, cá nhân tôi chỉ mong công trình được hoàn thiện càng sớm càng tốt”- anh Phương bày tỏ.
Người dân trông chờ dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương. Ảnh: H.H |
Theo tìm hiểu của PV, dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã được thực hiện từ năm 2002. Ở giai đoạn 1, TPHCM đã thực hiện giải phóng mặt bằng, thi công nạo vét kênh, thông tuyến dòng chảy, đắp bờ đất hai bên kênh…Tuy nhiên, do nhiều vấn đề và vướng mắc, giai đoạn 2 (xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh) đã bị đình trệ kéo dài.
Bà Nguyễn Thị Thúy Liên (cư trú tại Khu phố 8, phường 14, quận Gò Vấp) cho biết gia đình bà là một trong 3.212 hộ dân bị ảnh hưởng do việc đền bù giải phóng mặt bằng của dự án (giai đoạn 1).
“Chúng tôi đã thực hiện bàn giao mặt bằng từ năm 2008 đến nay dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành nhưng nước dưới kênh vẫn còn mùi hôi thối, con đường hai bờ kênh vẫn chưa được hình thành, môi trường vẫn chưa được trong sạch, một số con đường vẫn còn ngập úng mỗi khi có mưa, cỏ và rác vẫn tràn lan ở hai bên bờ kênh. Người dân thiếu không gian vui chơi ở dọc hai bên bờ kênh và kế sinh nhai của người dân bị ảnh hưởng”- bà Liên nói.
Chị Vũ Thị Lương (người dân phường 15, quận Gò Vấp) cho biết bản thân mình rất phấn khởi và đã kỳ vọng dự án này từ rất lâu. Chị Lương cho biết, đã sống cạnh dòng kênh Tham Lương được khoảng 12 năm. Trước kia nước ở đây khá trong sạch nhưng rồi theo thời gian dòng nước dần bị ô nhiễm và bốc mùi hôi rất khó chịu.
“Ngày trước người dân có thể mang chiếu, đồ đạc ra kênh để giặt, nhưng rồi dòng kênh dần bị ô nhiễm, không ai dám đến gần nữa. Ngoài ra, đường sá mỗi khi trời mưa thì lầy lội, nước tràn lên rất bẩn”- chị Lương kể.
Vẫn theo chị Lương, đây là dự án hầu như ai cũng trông đợi. Sáng 23/2, khi được thông báo sẽ tổ chức khởi công dự án ở khu vực nơi mình sinh sống hai vợ chồng chị Lương cùng nhiều người dân ở khu phố đã rất háo hức, đến từ rất sớm để tham dự buổi lễ khởi công. “Tôi hy vọng khi dự án hoàn thành sẽ cải tạo lại môi trường, dòng kênh không còn mùi hôi, đường sá sạch sẽ và thông suốt”- chị Lương chia sẻ.
Chạy qua 7 quận, hoàn thành trong năm 2025
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (đại diện chủ đầu tư) cho biết, dự án được triển khai dọc theo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, đi qua địa bàn 7 quận, huyện gồm huyện Bình Chánh, các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh với chiều dài toàn tuyến gần 33km. Dự án có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 4.000 tỷ đồng và vốn ngân sách thành phố là 4.200 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Theo ông Dũng, dự án sẽ xây dựng bờ kè bêtông và tuyến đường dọc hai bờ kênh (mặt đường từ 7 - 12m, vỉa hè 2 bên rộng khoảng 3m và 3 cầu dọc tuyến). Hai tuyến đường ven kênh khi hoàn thành giúp thành trục động lực phát triển phía tây TPHCM, hạn chế tình trạng kẹt xe khu vực nội thành.
Bên cạnh đó, dự án cũng nạo vét toàn tuyến kênh dài gần 33 km với chiều rộng kênh từ 30 - 40 m, sâu từ 4 - 5 m. Trên tuyến cũng được xây 19 cống thoát nước, ba cây cầu, 12 bến thuyền cùng hệ thống thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh,…
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, kết nối tỉnh Long An qua Sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045, góp phần xây dựng TPHCM trở thành nơi đáng sống, Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình, xứng đáng là “hạt nhân” và cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đông Nam bộ.