Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhu cầu sử dụng viên nén trên thị trường thế giới đang tăng rất mạnh. Trong 10 tháng năm nay, xuất khẩu viên nén của Việt Nam đạt tới gần 570 triệu (tăng gần 83% so với cùng kỳ năm 2021), trở thành mặt hàng đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu trong 8 mặt hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản (sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu, dăm gỗ). Việt Nam cũng trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới.
Lý giải sự tăng vọt xuất khẩu viên nén, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho rằng, nguyên nhân chính là do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Theo ông Lập, năm nay, Chính phủ Nga ra lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm gỗ, trong đó viên nén gỗ đến các “quốc gia không thân thiện” nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của châu Âu (EU). Điều này khiến các nước nhập khẩu viên nén của Nga phải tìm nguồn cung thay thế.
Nhu cầu chất sưởi đốt tăng cao giúp xuất khẩu viên nén của Việt Nam có thể đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới. |
Hiện, hơn 90% lượng viên nén xuất khẩu của Việt Nam là thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu (EU) giảm gần 50% so với cùng kỳ 2021. Điều này buộc các nước EU tăng cường tích trữ viên nén để sưởi ấm, nhất là trong bối cảnh mùa đông đang đến gần đẩy nhu cầu và giá mặt hàng này trên thị trường tăng cao. Hiện giá viên nén đã tăng gần gấp đôi lên 200 Euro/tấn so với hồi đầu năm.
"Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu viên nén trong cả năm 2022 có thể đạt khoảng 700 triệu USD. Trong năm 2023, viên nén có tiềm năng lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD", Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định.
Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) - cho biết, hiện cả nước có khoảng trên 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ. Nguồn nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ như: cành, ngọn, gỗ nhỏ, bìa bắp từ gỗ rừng trồng và các đầu mẩu, gỗ thừa... từ các cơ sở chế biến. Việc gia tăng sản xuất mặt hàng này giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.