Tránh cát cứ thông tin, sợ mất lợi ích khi chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10) lần đầu tiên được tổ chức sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới sẽ tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.

Sáng nay (10/10), lần đầu tiên Ngày Chuyển đổi số Quốc gia được tổ chức. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đây là dịp để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số với mỗi người dân nói riêng cũng như sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung. “Chuyển đổi số là một hành trình dài, toàn dân, toàn diện. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động sự tham gia của toàn dân”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm, chuyển đổi số là phương thức tăng trưởng mới, cũng là phương thức mới để giải quyết các vấn đề cuộc sống. Trong thế giới thực chúng ta đang gặp phải những vấn đề như cạn kiệt tài nguyên, khoảng cách nông thôn và thành thị… Trong không gian số, những vấn đề của thế giới thực sẽ cơ bản được giải quyết, con người tạo ra tài nguyên dữ liệu, không còn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong tiếp cận giáo dục, y tế. Công nghệ cao được cung cấp dưới dạng dịch vụ với giá rất rẻ như điện, như nước, ai cũng có thể tiếp cận, sáng tạo. “Chuyển đổi số sẽ tạo nên sức mạnh cho mỗi người. 100 triệu người Việt Nam đang chuyển đổi số và đây là sức mạnh của Việt Nam”, Bộ trưởng Hùng nói.

Phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày.

Tránh cát cứ thông tin, sợ mất lợi ích khi chuyển đổi số ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số Quốc gia sáng nay (10/10).

Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh 5 thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới gồm:

Thứ nhất: Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, Đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Thứ hai: Nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.

Thứ ba: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Thứ tư: Các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm: Tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng nêu, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. “Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển”, Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG