21h đêm, hầu hết các hàng quán ở thành phố rẻo cao Cao Bằng đã nghỉ nhưng cửa hàng của Kỳ Anh vẫn sáng đèn. Ông chủ trẻ đang lúi húi kiểm đếm hàng hóa sau một ngày đặt hàng, chốt đơn tất bật. “Kỳ Anh có thể trình diễn bán dao luôn được không?” - chúng tôi đề nghị, cậu hất mái tóc bồng bềnh rồi nói: “OK các anh, em live (phát video trực tiếp) luôn”. Để nguyên chiếc áo phông, quần hộp bụi bặm, Tiktoker (người sử dụng nền tảng tiktok) gắn điện thoại trên giá, bật đèn, bán dao.
Vừa live đúng 1 phút, số lượng người theo dõi vọt lên 400. Kỳ Anh với tay lấy con dao chặt gà, thái thịt chắc nịch, bóng loáng và con dao đi rừng lồng trong vỏ gỗ bóng mượt trưng ra trước màn hình. Khoảng 10 phút, 5 người chốt đơn, mỗi người mua từ 1 - 3 con dao. Kỳ Anh liên tục trả lời các câu hỏi của người xem.
Kỳ Anh đam mê nghề diễn viên, từng học trường Đại học Sân khấu điện ảnh tại Hà Nội. Nghỉ học giữa chừng vào năm thứ 4, cậu về Cao Bằng chở hàng tạp hoá bán khắp các chợ huyện trong tỉnh. Có khi, cậu còn phải nhặt phế liệu để kiếm tiền. Một dạo, Kỳ Anh theo vài nhóm làm kênh YouTube ở Cao Bằng rồi tách ra làm riêng nhưng cũng chỉ có 1.000 người theo dõi nên bỏ cuộc.
Kỳ Anh bán hàng qua Tiktok |
Cơ duyên đến với Kỳ Anh trong một chương trình truyền hình tại TP Hồ Chí Minh vào cuối năm 2021. Trong phòng ghi hình, Kỳ Anh sững sờ khi thấy con dao của làng nghề rèn Phúc Sen (xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng). Cậu tự hỏi, tại sao, mình sinh sống ở Cao Bằng, mà không phát triển sản phẩm này. Về Cao Bằng, Kỳ Anh lập tức lên làng nghề Phúc Sen tìm xưởng sản xuất chất lượng để mua hàng về bán. “Em đề nghị mua sỉ, mua nợ hơn 200 con dao của các lò với lời hứa sẽ bán hết trong 1 tuần. Trong ngày đầu tiên, em bán được hơn 30 con và bán hết sạch chỗ hàng nhập về trong 3 ngày. Tháng đầu tiên, em bán được 800 sản phẩm”- Kỳ Anh kể lại. Sau tháng đầu tiên, cậu yêu cầu các lò rèn khắc cho mình thương hiệu “Kỳ Anh dao” trên sản phẩm. Kỳ Anh là tên của cậu, cũng là tên quê nội của cậu (một thị xã ở Hà Tĩnh). Hiện tại, trung bình mỗi tháng cậu bán đều đặn hơn 1.000 sản phẩm, kết hợp với 10 xưởng ở Phúc Sen. Cái độc đáo của Kỳ Anh là cậu căn chỉnh, sáng tạo ra các mẫu dao mới.
“Mình làm thợ lâu năm nhưng thường làm các mẫu cũ nên những ý kiến của Kỳ Anh đã giúp xưởng sáng tạo hơn, đa dạng hơn trong mẫu mã, tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng hơn”.
Anh Lương Văn Quốc, một thợ nhiều kinh nghiệm ở làng nghề Phúc Sen
Anh Nông Văn Công (chủ một xưởng rèn ở Phúc Sen) gia công cho Kỳ Anh chia sẻ, ở làng nghề, hiện có khoảng hơn 300 hộ theo nghề rèn. Làng gần biên giới nên sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, số ít còn lại được bán trong nước. Từ khi có dịch COVID-19, hàng hóa không xuất được, nhiều lò rèn lạnh ngắt. Dân làng chỉ biết tập trung sản xuất, việc bán hàng, nhất là bán hàng qua mạng rất ít va chạm. “Từ khi hợp tác với Kỳ Anh, nhiều người biết đến thương hiệu làng nghề Phúc Sen, công việc cũng nhiều hơn. Từ đầu năm đến nay, tôi tuyển thêm 3 nhân công, nâng tổng số công nhân thành 6. Mỗi tháng, chúng tôi làm ra 600 sản phẩm, phần lớn bán cho Kỳ Anh. Tôi mong có nhiều bạn trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội, có tài năng kinh doanh như Kỳ Anh bán dao cho Phúc Sen và các sản phẩm của làng nghề vì làng có rất ít tiền quảng cáo sản phẩm” - anh Công nói.
Kỳ Anh biểu diễn khả năng mở khóa |
Kỳ Anh bán hàng qua Tiktok |