Đông đảo người Anh đã tụ tập dọc theo con đường dẫn đến cổng cung điện - nơi thông báo về sự ra đi của Nữ hoàng được dán theo truyền thống.
Phóng viên CNN cho biết những người có mặt trước Cung điện Buckingham không khỏi rơi nước mắt vì xúc động, và cùng nhau hát thầm “God Save the Queen”.
Margaret Parris – một nhà tư vấn đã đi 32km đến cung điện sau khi nghe tin Nữ hoàng lâm bệnh trước đó cùng ngày. “Chúng tôi lớn lên và Nữ hoàng luôn ở đó”, Parris trào nước mắt.
Quang cảnh trước Cung điện Buckingham hiện giờ trái ngược hoàn toàn với cách đây 3 tháng, khi Nữ hoàng xuất hiện trên ban công trước sự reo hò nồng nhiệt của người dân nhân lễ kỷ niệm Platinum Jubilee – đánh dấu 70 năm bà lên ngai vàng.
Chàng sinh viên 22 tuổi Adam Wilkinson-Hill đã đến cung điện với một bó hoa loa kèn trắng để thay mặt nhóm bạn của anh, những người không thể có mặt ở thủ đô. “Đây là một cú sốc lớn đối với cả nước”, Wilkinson-Hill nói.
Cùng lúc đó, cầu vồng đã xuất hiện trên Lâu đài Windsor khi quốc kỳ Anh được hạ rủ để tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II.
Tại Lâu đài Balmoral, nơi Nữ hoàng trút hơi thở cuối cùng, cảnh sát đã dỡ bỏ hàng rào để người dân đến đặt hoa.
Thông báo về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II được treo trên cổng Cung điện Buckingham. Ảnh: CNN |
Người dân tập trung trước cổng cung điện. Ảnh: CNN |
Những bó hoa tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Reuters |
Ảnh: Reuters |
Ảnh: Reuters |
Người dân đặt hoa bên ngoài Lâu đài Balmoral (Scotland), nơi Nữ hoàng trút hơi thở cuối cùng. Ảnh: Reuters |
Cầu vồng xuất hiện trên Lâu đài Windsor ngay sau khi cờ được treo rủ. Ảnh: CNN |
Bên ngoài Lâu đài Windsor. Ảnh: CNN |
Trước đó, kế hoạch về những việc phải làm sau khi Nữ hoàng qua đời đã được xây dựng đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Để bàn về kế hoạch này, đã có những cuộc họp thường xuyên trong nhiều thập kỷ giữa nhiều cơ quan liên quan, từ các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương đến các cơ quan quân sự và tôn giáo và đại diện của 14 quốc gia khác nơi Nữ hoàng cũng là nguyên thủ quốc gia.
Quốc kỳ sẽ được treo rủ trên khắp các tòa nhà hành chính của Anh. Tuy nhiên, lá cờ riêng của Nữ hoàng sẽ không treo rủ, với niềm tin rằng Nữ hoàng luôn sống mãi.
Trong khi các chi tiết cụ thể về lễ tang chưa được công bố, đây là những thông tin mà chúng ta đã biết ở thời điểm hiện tại:
Thái tử Charles đã trở thành Vua Charles III sau sự ra đi của Nữ hoàng.
Ông hiện là nguyên thủ quốc gia không chỉ của Anh mà còn của 14 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung khác bao gồm Úc và Canada.
Ông cũng sẽ trở thành người đứng đầu Khối thịnh vượng chung gồm 56 thành viên, mặc dù đó không phải là vị trí “cha truyền con nối”. Sự kế vị của ông đã được các lãnh đạo Khối thịnh vượng chung đồng ý tại một cuộc họp ở London vào năm 2018.
Vua Charles III hiện là người đứng đầu Lực lượng vũ trang Anh, cơ quan tư pháp và dịch vụ dân sự, và là Thống đốc tối cao của Giáo hội Anh.
Theo CNN, sẽ có những tràng đại bác trên khắp London, mỗi tràng tượng trưng cho một năm cuộc đời của Nữ hoàng Elizabeth II.
Thông tin chi tiết về quốc tang của Nữ hoàng sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Bà qua đời ngày 8/9 tại Lâu đài Balmoral ở Scotland. Vì vậy thi hài của bà sẽ được thu xếp đưa trở về Anh.