Một trận đấu đặc biệt tại giải VĐQG Greenland |
Chờ hoàn thiện sân bóng
Hôm qua, FIFA khẳng định chỉ khi nào “đáp ứng được yêu cầu về sân bãi” thì Greenland mới đủ điều kiện gia nhập tổ chức lớn nhất làng túc cầu thế giới. Và LĐBĐ Greenland đã phản hồi rất tích cực về điều này: “Về cơ bản, chúng tôi đang ở giai đoạn cuối của tiến trình gia nhập. Chúng tôi đã nộp đơn lên FIFA xin tiền để xây dựng các khán đài của sân bóng mới”.
Trước đó, Nuuk, thủ phủ của Greenland, đã khởi công xây dựng một sân vận động cỏ tự nhiên trong nhà được gọi là "SVĐ Bắc Cực". Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Khi sân bóng này được hoàn tất, nhiều khả năng Greenland sẽ chính thức được gia nhập FIFA.
Thực ra, vấn đề sân bãi chỉ là một trở ngại nhỏ trên hành trình chông gai đến với FIFA của Greenland. Họ gặp vô vàn rào cản, từ điều kiện địa lý cho đến cả… chính trị.
Greenland có diện tích 2,16 triệu km vuông và được công nhận là hòn đảo lớn nhất thế giới. Nơi này vốn vẫn được coi là một vùng đất của Đan Mạch. Dân số Greenland chỉ 56.000 người nên đó thực sự là trở ngại với sự phát triển của bóng đá tại đây.
Các trận đấu tại Greenland diễn ra trong điều kiện khắc nghiệt |
Chưa kể đến yếu tố thời tiết. Greenland không có cỏ tự nhiên đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để thi đấu các trận quốc tế của FIFA. Các giải đấu bóng đá tại đây được tổ chức trên sân cỏ nhân tạo, thậm chí là nền đất cứng và hai bên cũng không hề có khán đài.
Nhưng tất cả vẫn không ngăn cản được đam mê chơi bóng của người dân ở đây. Thực tế là đội tuyển Greenland đã được thành lập và thi đấu quốc tế từ 42 năm trước, trong trận thua Đảo Faroe 0-6 hồi tháng 7/1980.
Thậm chí, giải vô địch quốc gia của Greenland còn ra đời từ tận năm 1954 và vận hành đến bây giờ. Nó được gọi là "Coca-Cola GM" bởi công ty Coca-Cola là nhà tài trợ. Mùa này, có tới 16 đội tham dự. Xét về số lượng, nó không thua kém bất cứ giải VĐQG nào của Đan Mạch, Bỉ hay Iceland…
Từ UEFA tới... CONCACAF
Do chưa được gia nhập một liên đoàn nào nên Greenland chỉ có thể tham gia các giải đấu không chính thức như Island Games (đại hội thể thao của các quốc đảo), Greenland Cup, ConIFA World Football Cup (giải đấu bóng đá dành cho các quốc gia, dân tộc thiểu số không quốc tịch và không thuộc FIFA).
Thực tế, Greenland đã muốn gia nhập đại gia đình bóng đá thế giới từ lâu. Họ thành lập liên đoàn bóng đá của riêng mình vào năm 1971, sớm hơn rất nhiều liên đoàn thành viên UEFA. LĐBĐ Greenland lên kế hoạch gia nhập UEFA từ năm 1998, nhưng họ chưa bao giờ được chấp nhận.
Đội tuyển Greenland muốn gia nhập CONCACAF |
UEFA đưa ra nhiều lý do để từ chối. Ví dụ, Greenland không phải là một phần địa lý của châu Âu (thực tế Greenland thuộc Bắc Mỹ). Nhưng đây là lý do thiếu thuyết phục. Vì Armenia và Israel nằm ngoài châu Âu về mặt địa lý nhưng vẫn “vào biên chế” UEFA từ lâu.
Sự chần chừ từ UEFA được cho là chịu tác động từ Đan Mạch. Do vậy, Greenland gác bỏ hoàn toàn ý định gia nhập UEFA, và giờ họ vừa nộp đơn lên Liên đoàn bóng đá Trung Bắc Mỹ và Caribe (CONCACAF).
Greenland phải chọn CONCACAF. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi đấu của đội tuyển này bởi họ phải đi chu du ít nhất là 6 ngàn km cho mỗi trận đấu. Để so sánh, chặng đường này gấp đôi khoảng cách từ Việt Nam tới Hàn Quốc.
Nhưng Greenland vẫn tỏ ra quyết tâm. Họ muốn xin gia nhập CONCACAF và sau đó là FIFA. World Cup 2026 sẽ được tổ chức tại ba quốc gia ở Bắc Mỹ. Việc mở rộng số lượng đội dự World Cup sẽ giúp các đội trực thuộc CONCACAF có cơ hội tham dự World Cup nhiều hơn.
Và đó chính là tham vọng của Greenland, dù biết họ vẫn còn cả một chặng đường rất dài để biến tham vọng thành hiện thực.