Cuối tuần trước, tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đăng tải bài báo cáo buộc các cuộc pháo kích gần đây nhằm vào nhà máy Zaporozhye là “bước đi có chủ đích trong mục tiêu rộng lớn hơn của Nga: đánh cắp năng lượng từ Zaporozhye bằng cách cắt đứt kết nối giữa nhà máy với phần còn lại của lãnh thổ Ukraine”.
Tờ WSJ trích dẫn nguồn tin từ “lãnh đạo Ukraine, các chuyên gia điện hạt nhân quốc tế”, trong đó bao gồm Mikhail Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine và cựu quan chức phụ trách lĩnh vực năng lượng tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev – Suriya Jayanti. Tờ báo cũng cho biết đã nói chuyện với “công nhân nhà máy, các thành viên trong gia đình và những đồng nghiệp đã chạy trốn đến vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát”.
Jayanti tuyên bố rằng Nga muốn ngắt kết nối giữa nhà máy Zaporozhye với lưới điện Ukraine nhằm gây mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và khiến Kiev phụ thuộc vào Liên minh châu Âu (EU) – nơi giá điện đang tăng chóng mặt (trong khi trên thực tế, giá điện tăng là do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, theo RT).
Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Ảnh: Sputnik |
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga cho biết bài báo của tờ WSJ là “sự phá bỏ hoàn toàn mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả”, là “diễn biến mới nhất của vòng xoáy thông tin sai lệch”.
Mátxcơva lưu ý rằng Ukraine đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào nhà máy điện hạt nhân bằng pháo, rocket, thậm chí là cả máy bay không người lái cảm tử. Bằng chứng về việc này đã được Nga trình lên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, các lực lượng Ukraine cũng bị cáo buộc đánh bom nhà máy thủy điện Kakhovskaya do Nga kiểm soát, vốn là nơi cung cấp nước làm mát cho Zaporozhye.
Vị trí nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Ảnh: Guardian |
Hôm 16/8, ông Vladimir Rogov – một quan chức chính quyền tỉnh Zaporozhye cho biết cuộc pháo kích mới nhất của Ukraine gần như làm vỡ một trong những thùng chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại nhà máy.
Cựu thanh tra hạt nhân thời Liên Xô Vladimir Kuznetsov cảnh báo rằng nếu nhà máy Zaporozhye bị trúng hỏa lực, rất có thể nhiều thùng chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sẽ bị ảnh hưởng. Kịch bản này có thể khiến phóng xạ “thoát ra môi trường, gây ô nhiễm không chỉ khu vực nhà máy mà còn cả sông Dnepr ở gần đó.”
Ông Kuznetsov ước tính rằng nếu 20 đến 30 thùng chứa bị ảnh hưởng trong các vụ tấn công, “bức xạ sẽ ảnh hưởng đến khoảng 9 quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Slovakia, CH Séc, Ba Lan, các nước Baltic và Tây Ukraine”.
“Bằng cách phá hủy cơ sở hạ tầng nhà máy, Kiev đang khiến hàng triệu người ở châu Âu đối mặt với nguy cơ về một trận đại hồng thủy hạt nhân”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, và nói thêm rằng tờ WSJ - ở bên kia đại dương - rõ ràng không quan tâm đến điều này.
Nằm ở thành phố Energodar (miền Nam Ukraine), Zaporozhye là nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu. Nhà máy đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ khi Mátxcơva khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng phải hứng chịu một loạt các vụ tấn công trong những tuần gần đây.
Quân đội Nga cáo buộc Ukraine tấn công cơ sở này bằng pháo và máy bay không người lái, đồng thời gọi hành động này là “khủng bố hạt nhân”. Trong khi Kiev và các đồng minh phương Tây khẳng định các vụ tấn công được thực hiện bởi quân đội Nga nhằm đổ lỗi cho Ukraine.