Gia đình cho biết trước khi vào viện ở địa phương 3 ngày, trẻ sốt cao kèm ho. Tại đây trẻ được tiêm kháng sinh chứa thành phần ampicilin và sulbactam. Sau tiêm mũi thứ 3, trẻ xuất hiện tím tái, co giật toàn thân, trào bọt hồng. Trẻ được chẩn đoán phù phổi cấp, suy tuần hoàn/sốc phản vệ độ III sau tiêm kháng sinh.
Ngày 8/6, ngay sau khi bệnh nhi xuất hiện tình trạng sốc phản vệ, các bác sĩ bệnh viện địa phương đã hội chẩn trực tiếp với PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương để đưa ra phương án điều trị phù hợp với tình trạng của trẻ trong cả ngày và đêm.
Bé T.B được các bác sĩ đặt ECMO và vận chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong đêm |
“Sau 1 ngày điều trị bằng các biện pháp hồi sức thông thường (thở máy, thở máy cao tần,…), tình trạng của trẻ chưa có sự chuyển biến rõ rệt, SP02 chỉ duy trì ở khoảng 65% – 70% khi trẻ được thở máy cao tần, nếu kéo dài và không áp dụng phương pháp điều trị cao hơn, bệnh nhi chắc chắn sẽ tử vong. Trước diễn biến nghiêm trọng của ca bệnh, sáng ngày 9/6, chúng tôi đã xin ý kiến của Ban Lãnh đạo Bệnh viện nhanh chóng cử 1 ê kíp ECMO gồm các bác sĩ, điều dưỡng khoa Điều trị tích cực Nội khoa và Ngoại Tim mạch lên Sơn La hỗ trợ cấp cứu, đặt ECMO, ổn định bệnh nhi và vận chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong đêm để tiếp tục điều trị”, PGS.TS Tạ Anh Tuấn cho hay.
ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi ô xy bên ngoài cơ thể, nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Bình thường kĩ thuật ECMO được tiến hành tại chỗ, ở những nơi có đủ điều kiện trang thiết bị cơ sở vật chất máy móc, ánh sáng…Tuy nhiên, với trường hợp của bé T.B, việc di chuyển bé trong tình trạng suy hô hấp nặng, chỉ số ô xy máu thấp (khoảng 65% – 70% khi bệnh nhân được thở máy cao tần) là rất nguy hiểm, nguy cơ trẻ tử vong trên đường đi rất cao, bắt buộc phải di chuyển cả ekip (con người, trang thiết bị, máy móc,..) đến bệnh viện địa phương (nơi chưa từng áp dụng phương pháp ECMO) để thực hiện.
Theo bác sĩ Hoàng Thanh Sơn, Khoa Ngoại Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương – người trực tiếp đặt ECMO cho bệnh nhi: “Đây là lần thứ 2 chúng tôi di chuyển cả ekip ECMO (con người, trang thiết bị, máy móc,..) đến bệnh viện địa phương để cấp cứu bệnh nhân. Nhờ sự chuẩn bị kĩ càng trước chuyến đi, cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa và 2 Bệnh viện, quá trình phẫu thuật đặt ECMO cho bệnh nhi diễn ra tương đối thuận lợi. Trẻ đáp ứng tốt sau khi được sử dụng ECMO. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là thời gian di chuyển từ Sơn La về Hà Nội khá dài, gần 6 tiếng và phải đi trong đêm. Trong suốt quãng đường di chuyển, ekip của chúng tôi phải đảm bảo hệ thống máy móc đi cùng bệnh nhi hoạt động ổn định liên tục, chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ”, bác sĩ Sơn nói.
Sau 5 ngày được điều trị tích cực tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa, trẻ đã được rút ECMO và cai ô xy. Hiện tại, tình trạng của trẻ đã cải thiện rõ rệt, trẻ tự thở, tỉnh táo và đã có thể ăn được cháo.
“Thời điểm chỉ số SP02 của con cứ giảm dần, em không dám nhìn con nữa, ông bà nội ngoại hoàn toàn suy sụp, cơ hội sống của con còn lại thật mong manh. Khi mọi tia hy vọng đều sắp tắt thì em nghe tin Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ cho ê kíp ECMO lên cứu con, em cảm thấy rất vui và biết ơn vì cơ hội sống của con lại được mở ra rồi. Em hồi hộp chờ đợi từng giây, từng phút và cuối cùng cơn mưa tin vui đã đến với gia đình em, con đáp ứng rất tốt với ECMO và sẽ được các bác sĩ đưa về Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị”, mẹ bé T.B xúc động nhớ lại.