Tars Khan có thâm niên gần 20 năm vẽ graffiti ở Hà Nội. Ngay từ khi học phổ thông anh đã có thu nhập bằng việc vẽ giày, vẽ áo. Từ lâu anh đã không còn vẽ ngoài đường mà chuyển sang nhận những hợp đồng vẽ trang trí cho các quán bar, cà phê, khu du lịch. Nhưng nhiều người biết đến Tars Khan như một nghệ sĩ xăm mình với những hình thiết kế riêng phức tạp. Nói chung xem tác phẩm của Tars Khan không ai nghĩ anh tự học. Và theo anh trong giới graffiti không ít những tài năng tự phát như mình. Tất nhiên không phải vì thế mà không có những họa sĩ được đào tạo chuyên nghiệp thích chơi graffiti.
Trong giới không có quy định một tác phẩm graffiti sẽ tồn tại bao lâu. Chỉ có điều khi muốn vẽ đè lên thì phải có lời với tác giả đã vẽ trước. Nếu không sẽ có đụng độ kiểu lời qua tiếng lại, thậm chí đánh nhau. “Chuyện như thế giờ ít xảy ra rồi. Tôi không biết tầm như bọn tôi có hay không. Tầm nhỏ hơn có nhưng bọn nó trẻ con, không nguy hiểm”, Tars Khan nói.
Không chỉ người trong giới mà bất cứ ai cũng có thể đe dọa tính nguyên vẹn của một bức graffiti. “Kể cả mấy cháu học sinh mua được 1-2 lọ sơn cũng ra thử nguệch ngoạc mấy nét trên bức của mình. Thế là thôi! Người ta cũng muốn trải nghiệm, chẳng cấm được.”. Thế nhưng anh cũng khẳng định, một khi đã chơi graffiti, người vẽ sẽ không tiếc khi tác phẩm có thể biến mất bất cứ lúc nào. Tars Khan cũng từng hai lần bị công an mời lên làm việc. Ngoài phạt tiền, anh phải đi sơn lại tường cho người ta. “Trước giờ tính tôi cẩn thận, chỉ vẽ những nơi cảm thấy ổn. Hai lần kia do hứng quá đi bom ở những nơi không được phép thì lên phường phải rồi,” anh nói.
“Graffiti tự do và đa dạng. Có nhóm không từ bỏ việc đi phá phách. Việc vẽ bậy, vẽ trộm đem lại cho họ một vị trí nhất định trong giới, họ được tôn trọng vì có gan làm việc đấy. Nhưng cũng có những trường phái coi phá phách là kiểu rẻ tiền”, Tars Khan cho hay.
Về vụ vẽ bậy lên toa tàu, Tars Khan nhận định nhiều khả năng không phải người Việt làm: “Việt Nam không văn hóa đó, không đến nỗi phá hoại kiểu đó. Thế nào nhỉ, nhờ được dạy dỗ học hành ở đây mà bọn tôi cũng biết điểm dừng”. Anh nhận định kiểu vẽ này mang phong cách châu Âu, cũng có thể do một du học sinh mới về nước nói tiếng Việt lơ lớ mới có gan làm.
Tars Khan tán thưởng và ủng hộ nhân rộng việc trang trí tranh hoa lá cho những hộp điện trên vỉa hè ở Hà Nội. Anh cũng cho biết những hộp này quá nhỏ để có thể vẽ graffiti. “Bọn tôi vẽ những bức tường hàng chục mét quen rồi. Tuy không học trường lớp nhưng bọn tôi bên khoa hoành tráng. Cũng do đầu bình sơn xịt ra nét khá to chứ không mảnh như cọ”, anh cười.
Tars Khan tỏ ra hào hứng trước ý tưởng thành phố quy hoạch riêng cho giới graffiti một khu để sáng tác. “Ai thích phá thì họ vẫn phá. Còn những chỗ như thế lại thu hút những người như tôi. Nếu có chỗ nào được phép vẽ thì vui quá. Tôi sẽ mở tiệc luôn ở đấy. Bọn tôi luôn ‘đói’ những nơi được đến để chơi”. “Bọn tôi” ở đây là cộng đồng văn hóa hiphop mà graffiti là một phần cùng với nhảy, thời trang… Tars Khan cũng bày tỏ mong muốn nếu có một khu như thế thì cơ quan quản lý có thể vạch ra những chủ đề, kế hoạch để biến khu vực thành địa điểm phát triển du lịch văn hóa…
Tranh của Mate nổi bật tại một đường phố ven Hồ Tây Ảnh: Sơn Saa |
Vẽ graffiti thu tiền tỷ
Đây là thực tế với những nghệ sĩ như Ciryl Kongo (Top 10 thế giới), có phòng trưng bày riêng giữa phố Tràng Tiền. Nghệ sĩ Pháp gốc Việt này thường xuyên được các hãng thời trang xa xỉ thuê vẽ lên đồng hồ, khăn, giày, túi, thắt lưng... Một nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế nữa là Mate (Anh) cũng đang hoạt động tại Việt Nam. Anh là tác giả của những bức chân dung cực thực khổ lớn tại một số nơi quanh Hồ Tây. Được biết anh từng được Tân cảng Sài Gòn thuê vẽ lên những container để quảng bá thương hiệu.
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho hay, hiện có nhiều nhóm vẽ graffiti người nước ngoài hoạt động tại Hà Nội. Và tất nhiên họ hoạt động kiểu ẩn danh đúng với xuất phát điểm ban đầu của loại hình nghệ thuật đường phố này. Một trong những nghệ sĩ graffiti đỉnh cao của thế giới là Bansky thành danh nhưng vẫn không lộ danh tính.
Graffiti (nguệch họa) vốn là tranh hoặc ký hiệu của con người thời cổ đại khắc trên những vách hang động. Trong xã hội phương Tây xưa, graffiti ám chỉ những bức hí họa đơn giản tại các khu vực sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, graffiti chỉ những bức tranh tường do giới trẻ theo trào lưu hip-hop vẽ lên những khoảng tường, hay bất cứ mặt phẳng nào mà họ tìm được trên đường phố, khu dân cư. Gần với graffiti là tag- một hình thức ký tên của mình lên mặt đường của các tay anh chị trùm du đãng vào thập niên 1960 để đánh dấu lãnh địa. Nhưng graffiti mất công sức, thời gian hơn tag nhiều, và vì thế cũng nghệ thuật hơn. (theo vietadsgroup.vn)
“Bản chất là vẽ bậy nhưng một số thành phố lớn trên thế giới đã chấp nhận graffiti, đưa vào gallery, studio xuất hiện tại các hội chợ nghệ thuật, thậm chí bảo tàng”, Thế Sơn cho hay.
Không phải bản sắc Việt
Nguyễn Thế Sơn không cổ vũ ý tưởng lập một khu chuyên dành cho dân chơi graffiti: “Trên thế giới graffiti được công nhận là nghệ thuật từ những năm 1970 và đến giờ đã không còn gì mới mẻ. Nó vẫn phù hợp chỉ với một nhóm người, và không phải bản sắc đường phố Việt Nam”.
Tuy nhiên, anh vẫn đánh giá cao nghệ thuật này và vẫn muốn mời những nghệ sĩ graffiti tên tuổi tham gia những dự án nghệ thuật công cộng trong tương lai. “Nếu đặt đúng chỗ đúng người, graffiti là một phần không thể thiếu của nghệ thuật công cộng. Còn lại nên để nó vận hành tự nhiên đúng với nhu cầu tự thân của nó, vì bản chất nó là tiếng nói bên lề”, anh nói.
Giám tuyển Thế Sơn cũng đánh giá cao trường phái graffiti cổ điển thể hiện qua những bức tranh lớn theo phong cách siêu thực, cực thực- hơn là vẽ chữ loằng ngoằng mà với anh là đơn điệu và không kết nối với văn hóa sở tại. Anh bày tỏ sự thán phục với kỹ thuật vẽ cực thực bằng bình xịt air-spray như của Mate: “Cao tay kinh khủng. Mình chịu, chỉ quen vẽ bút”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (giám đốc trung tâm nghệ thuật Heritage Space) cũng cho rằng ý tưởng tạo sân chơi cho những người đam mê graffiti để hạn chế những vụ bôi bẩn toa tàu như ở TP.HCM vừa qua là không cần thiết. “Đây giống kiểu đùn đẩy trách nhiệm hơn là một giải pháp mang tính xây dựng. Khi thành phố hay một chính quyền quản lý địa phương có ý định mở một khu vực nào riêng cho văn hoá nghệ thuật thì nó cần nằm trên định hướng và quy hoạch phát triển hạ tầng văn hoá có tính lâu dài chứ không phải tuỳ tiện mở hay đóng chỉ vì ‘vẽ bậy’ hay sao đó”, ông nói.
Một khu vực tập trung nhiều tranh graffiti nằm giữa đường Lê Duẩn và Điện Biên Phủ, Hà Nội Ảnh: N.M.Hà |
Ông cũng khẳng định graffiti của Việt Nam là một trào lưu phái sinh từ bên ngoài với những thực hành mang tính tự phát: “Nên nó sẽ chỉ dừng ở phong trào chứ khó mà phát triển ở đỉnh cao như một loại nghệ thuật gắn kết và thúc đẩy phát triển xã hội hoặc thẩm mĩ được”. Ông nhấn mạnh graffiti vốn là một văn hóa phản kháng và giải tỏa bế tắc xuất hiện khi xã hội nhiều áp lực, thanh niên thất nghiệp, vô gia cư nhiều. Như vậy graffiti vốn là một kiểu bạo loạn tinh thần, báo hiệu sự khủng hoảng xã hội. Với bản chất như vậy nên cẩn trọng khi du nhập graffiti vào Việt Nam theo đường “chính ngạch”.