Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa công bố Đề án tuyển sinh năm 2022, trong đó nội dung được nhiều học sinh và giáo viên quan tâm là trường dự kiến không tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT từ năm 2023.
Theo đó, từ năm 2023, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm toàn bộ chỉ tiêu sau khi trừ số thí sinh tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Trường không tuyển theo các phương thức còn lại, kể cả sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT- vốn là phương thức chủ đạo của trường trong những năm trước 2022.
Trong đó, nhà trường dự kiến 70% chỉ tiêu đầu vào năm 2023 dành cho các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc xét hai tiêu chí này cùng nhau. 30% còn lại dành cho những em xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và các điểm học thuật khác. Lý giải rõ hơn về phương thức tuyển sinh 2023, GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, hiện nhà trường mới chỉ là dự kiến. Trong đó, không xét tuyển “thuần” theo điểm thi tốt nghiệp THPT, mà xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với các tiêu chí khác. Ví dụ, có thể xét điểm thi IELTS và kết quả thi THPT của 2 môn Toán, Văn, hoặc kết hợp với một số tiêu chí khác.
Thí sinh linh hoạt để thích ứng với những thay đổi trong tuyển sinhẢnh: Nghiêm Huê |
So với dự kiến công bố đầu tháng 4, Trường ĐH Lao động - Xã hội giảm chỉ tiêu tuyển sinh trong Đề án tuyển sinh chính thức. Cụ thể, tại trụ sở chính Hà Nội, trường tuyển 1.900 sinh viên từ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, 473 chỉ tiêu xét học bạ. Với cơ sở TPHCM, chỉ tiêu cho hai phương thức này lần lượt là 700 và 180. Tổng chỉ tiêu của hai cơ sở là 3.253, ít hơn khoảng 500 so với lúc dự kiến.
Với Học viện Ngoại giao, trường không thay đổi nhiều so với dự thảo đã công bố, nhưng giảm tổng chỉ tiêu (từ 2.200 xuống 2.010), đồng thời phân chia lại tỷ lệ chỉ tiêu của các nhóm thí sinh trong năm phương thức công bố cuối tháng 4.
Theo đó, xét kết quả học bạ là phương thức chủ đạo của Học viện Ngoại giao trong năm 2022 với 67% chỉ tiêu. Thí sinh phải đạt điểm tổng kết trung bình từ 8 trở lên trong 3/5 kỳ học bất kỳ; đồng thời thuộc một trong ba nhóm: đoạt giải Olympic quốc gia, quốc tế; là học sinh trường THPT chuyên hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết năm nay, thí sinh có 6 tuần để vừa đăng ký, vừa điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của mình. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Học viện Ngoại giao còn dành 2% chỉ tiêu để xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn, áp dụng cho thí sinh học chương trình THPT của nước ngoài; 3% cho phương thức kết hợp xét học bạ và phỏng vấn, dành cho thí sinh có năng lực, thành tích đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học... hoặc đoạt giải các cuộc thi quốc tế. 25% chỉ tiêu được dành để tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, 3% xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Điều kiện của năm phương thức không thay đổi so với kế hoạch dự kiến mà trường đã công bố.
Hiện nay tồn tại khoảng 20 phương thức tuyển sinh ĐH, nhiều trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức. Bộ GD&ĐT cho biết cách làm này không sai nhưng việc nhiều trường phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức không hợp lý có thể gây ra khó khăn cho thí sinh.
Không nên chỉ tham gia xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp
Chia sẻ với báo chí, ThS Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM khuyên thí sinh không nên chỉ tham gia xét tuyển ĐH bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Vì tham gia xét tuyển các phương thức khác là thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Dù các trường không thay đổi nhiều về phương thức tuyển sinh thế nhưng tỉ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức đều có sự điều chỉnh. Mục đích là để không bị động như năm ngoái khi phụ thuộc quá nhiều vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong khi kỳ thi này lại liên tục bị xáo trộn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong khi đó, phương án tuyển sinh của các trường ĐH sẽ thay đổi theo từng năm, vì vậy học sinh phải thích ứng và đổi mới. ThS Trần Vũ khẳng định nhà trường đang xây dựng các phương án thay đổi trọng số của kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với tuyển sinh. Vì vậy, thí sinh cần có những điều chỉnh kịp thời để tăng cơ hội trúng tuyển.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, những thay đổi trong tuyển sinh ví dụ như thay đổi của Trường ĐH Đại học Kinh tế Quốc dân có thể gây bất lợi cho học sinh ở nông thôn, miền núi khi không có điều kiện dự thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc không đủ điều kiện thi đánh giá năng lực.
Tuy nhiên, khó khăn thì buộc phải khắc phục, đặc biệt là trong xu thế hội nhập như hiện nay. Đến thời điểm này, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn hai tuần nữa sẽ diễn ra. Hai phương thức đang chiếm ưu thế về số lượng thí sinh đăng ký là xét tuyển bằng học bạ và kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐH Quốc gia khi có tới hơn 100 trường lựa chọn. Linh hoạt để thích ứng cũng là phương châm của mùa tuyển sinh năm nay được rút ra từ kinh nghiệm 2 năm dịch COVID-19 vừa qua.