Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Bài 4: Giáo dục lí tưởng cho thế hệ trẻ, làm sao hấp dẫn hơn?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Trong “Di chúc”, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương giáo dục truyền thống và giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ.

Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá chỉ rõ: Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội...

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Bài 4: Giáo dục lí tưởng cho thế hệ trẻ, làm sao hấp dẫn hơn? ảnh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1/1967). Nguồn: TTXVN

Tiếp đó, Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”, khẳng định: Các cấp các ngành cần nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ; từ đó, xác định trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội đối với công tác này. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Bài 4: Giáo dục lí tưởng cho thế hệ trẻ, làm sao hấp dẫn hơn? ảnh 2

PGS, TS Nguyễn Danh Tiên

Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, các cấp, các ngành, đặc biệt là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tập trung giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, tổ chức Đoàn các cấp triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm, mít tinh kỷ niệm, nghe nói chuyện về truyền thống lịch sử nhân các ngày lễ lớn của đất nước; đẩy mạnh các chương trình, cuộc vận động “Tiếp lửa truyền thống”, “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ”; chăm sóc và chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ; di tích lịch sử cách mạng…Thông qua các hoạt động trên đã góp phần giáo dục lịch sử cách mạng, hình thành nhân cách, vun đắp lý tưởng, bản lĩnh và lối sống đẹp cho thanh, thiếu niên; đồng thời, nhắc nhở thế hệ trẻ luôn ghi nhớ lịch sử cách mạng, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc; qua đó, cống hiến sức mình để xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh.

Quán triệt quan điểm “xây dựng Đoàn là xây dựng Đảng trước một bước”, tổ chức Đoàn cần phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, sinh viên trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ; từ đó, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và sẵn sàng kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước và các chương trình giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ còn nhiều hạn chế, chất lượng, hiệu quả chưa cao.

Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là internet, các trang mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, bôi đen, bóp méo lịch sử dân tộc, phủ nhận những giá trị lịch sử cách mạng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đối tượng mà chúng nhắm đến là thế hệ trẻ, vì vậy, giáo dục lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử cách mạng nói riêng cho các tầng lớp thanh niên trong bối cảnh hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ: Thường xuyên nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với công tác giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ. Cấp ủy đảng các cấp cần xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác bồi dưỡng, giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bằng những chủ trương, đường lối phù hợp; phát huy vai trò gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ.

Thứ hai, phát huy vai trò tiên phong của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và Hội đồng Đội Trung ương trong công tác giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ: Các tổ chức Đoàn, Hội từ Trung ương đến địa phương phải giữ vai trò chủ chốt, tiên phong, có trách nhiệm trong việc giáo dục lịch sử cách mạng đối với thế hệ trẻ. Thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội để giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ.

Thứ ba, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ: Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc giáo dục lịch sử cách mạng cho thanh niên thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội được xác định là giải pháp quan trọng nhằm đổi mới phương thức giáo dục của tổ chức Đoàn. Trong đó, chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, những tấm gương anh hùng tiêu biểu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ. Thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, đến với địa danh lịch sử, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử. Tổ chức Đoàn các cấp cần đặc biệt coi trọng giáo dục lịch sử cách mạng cho thanh niên, khơi dậy trong thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng để tiếp nối xứng đáng truyền thống hào hùng của cha anh.

Thứ tư, các cơ quan truyền thông, ngành văn hóa tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng, góp phần hình thành nhân sinh quan cách mạng cho thế hệ trẻ: Các cơ quan truyền thông khuyến khích các trang mạng xã hội mở các chuyên mục, diễn đàn: “Tìm hiểu lịch sử cách mạng”, “phổ biến kiến thức lịch sử Đảng”, “câu chuyện lịch sử cách mạng”, “tìm hiểu nhân vật lịch sử Đảng”… nhằm thu hút những nhà nghiên cứu và ham mê lịch sử chân chính, trong đó có các tầng lớp thanh niên; đồng thời, đấu tranh với những thông tin xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng.

Thứ năm, ngành giáo dục cần đổi mới căn bản “Chương trình giáo dục phổ thông mới”; nhận thức sâu sắc sự cần thiết phải dạy và học môn lịch sử: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc dạy và học môn lịch sử và không coi đó là môn học tự chọn. Bởi lẽ, nếu môn lịch sử không phải là môn học chính, bắt buộc ở bậc học phổ thông thì sẽ dẫn đến tình trạng người thầy không muốn dạy và học sinh không muốn học. Đồng thời, cần biên soạn lại sách giáo khoa lịch sử phổ thông với phương pháp và tư duy khoa học, sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, trọng tâm là làm rõ ý nghĩa của các sự kiện lịch sử và tổng kết những kinh nghiệm để bồi dưỡng nhân cách, khơi dậy tinh thần yêu quê hương, đất nước; giúp học sinh hiểu và nắm được các sự kiện trọng đại của đất nước.

MỚI - NÓNG