Donetsk, Lugansk bắn pháo hoa ăn mừng khi được Nga công nhận

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Người dân khu vực ly khai ở Donbass (miền Đông Ukraine) xuống đường ăn mừng, bắn pháo hoa sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kí sắc lệnh công nhận hai nước cộng hoà tự xưng Donetsk và Lugansk tối 21/2.

Video từ vùng Donbass cho thấy pháo hoa thắp sáng bầu trời thành phố Donetsk. Nhiều người đã tụ tập trên đường phố, vẫy cờ Nga và cổ vũ động thái của Mátxcơva.

Pháo hoa ở Donetsk. Nguồn: RT

Nguồn: RIA Novosti

Các hoạt động ăn mừng cũng diễn ra ở Lugansk, khi hàng dài xe hơi gắn cờ Nga diễu hành dọc các tuyến phố.

Đoàn xe hơi diễu hành, bóp còi inh ỏi ở Lugansk tối 21/2. Nguồn: RT

Trong bài phát biểu tối 21/2, Tổng thống Nga Putin nói: “Tôi cho rằng cần phải đưa ra quyết định mà lẽ ra phải được đưa ra từ lâu để ngay lập tức công nhận Cộng hoà Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hoà nhân dân Lugansk (LPR)”.

Động thái này của Nga vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Ukraine, từ các nước phương Tây và Liên Hợp Quốc. Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga phá hoại các nỗ lực hòa bình, xâm phạm lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine và khẳng định sẽ không nhượng bộ.

Ông Zelensky cho biết Ukraine muốn giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua “con đường hoà bình và ngoại giao”. “Nhưng chúng tôi đang ở trên lãnh thổ của mình, chúng tôi không sợ bất cứ điều gì hay bất kỳ ai. Chúng tôi không mắc nợ ai, và cũng sẽ không cho ai bất kỳ thứ gì.”

Donetsk, Lugansk bắn pháo hoa ăn mừng khi được Nga công nhận ảnh 1

Khu vực ly khai Donetsk và Lugansk (màu cam đậm) nằm ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, giáp biên giới Nga.

Trước đó, các nước cộng hoà ly khai tự xưng Donetsk và Lugansk cáo buộc Kiev đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công để giành lại quyền kiểm soát Donbass. Cáo buộc này bị Ukraine bác bỏ.

Tình hình leo thang liên tục đã khiến DPR và LPR vội vàng sơ tán hàng chục ngàn dân thường sang khu vực Rostov của Nga. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cũng đã thiết lập lều trú ẩn tạm thời cho người tị nạn.

Donetsk và Lugansk tuyên bố độc lập khỏi Kiev vào năm 2014, sau khi những người theo chủ nghĩa dân tộc vi phạm thỏa thuận chia sẻ quyền lực do Pháp và Đức làm trung gian, và lật đổ chính phủ bằng “cuộc đảo chính Maidan”.

Tuy nhiên cho đến nay, ngoài Nga vẫn chưa có bất kỳ quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nào khác công nhận họ là quốc gia có chủ quyền. Trước khi ban hành sắc lệnh mới nhất, Mátxcơva vẫn ủng hộ các thỏa thuận Minsk được xây dựng để mang lại một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột và hòa giải Donbass với Kiev.

Theo RT
MỚI - NÓNG