Sáng 18/2, cô giáo Nguyễn Thị Hường, Trường THCS Phú La phải dạy trực tuyến, trực tiếp cùng lúc trong giờ học Toán. Tiết học chỉ có 45 phút, nhà trường yêu cầu cô dành ra 1-2 phút để hỏi han sức khỏe học sinh sau đó mới vào giảng bài. Lớp học trực tiếp thời COVID-19 khác hẳn ngày thường khi bàn ghế trống vắng hơn. Ở giữa lớp học kê thêm một bàn để camera và máy tính kết nối phòng học trực tuyến để những học sinh là F0, F1 ở nhà theo dõi giáo viên dạy trên lớp.
“Căng thẳng, áp lực là tâm trạng của giáo viên đứng lớp vì cùng lúc phải làm nhiều việc. Vừa dạy kiến thức, tương tác với học sinh trên lớp, lo học sinh trong phòng học Zoom có nghe, hiểu bài cô giảng đồng thời phải quan sát các em có biểu hiện mệt mỏi, bất thường gì không. Bởi nhiều em do lo học, mệt mỏi không dám nói với cô giáo”, cô Hường nói.
Lớp 9A7 do cô Hường chủ nhiệm có 45 học sinh, sau gần 2 tuần học trực tiếp đã có 3 F0, 21 F1. Hơn nửa học sinh phải học trực tuyến ở nhà, lòng cô như lửa đốt vì thương, lo lắng. Năm nay cuối cấp rồi, các em rất muốn được đến trường học trực tiếp. Nhiều em khi được thông báo là F0 cứ hỏi đi hỏi lại bao giờ em mới được đến trường.
Nguyễn Bá Bách, lớp trưởng 9A8 cho biết, lớp có 39 học sinh đến nay vắng 16 vì liên quan COVID-19. Tuy nhiên, em cũng như các bạn không quá hoang mang, lo lắng vì đã tiêm phòng. Ngoài ra, tất cả các bạn đều được nhắc nhở không cởi khẩu trang, hạn chế nói chuyện, uống bình nước riêng, không la cà sau giờ học… “Được đến trường học trực tiếp, em sẽ tận dụng thời gian để học, trao đổi thật nhiều với giáo viên vì học online rất vất vả”, Bách nói.
Lớp vơi dần học sinh cũng là tình trạng chung của nhiều trường học tại Hà Nội. Có trường THCS tại quận Cầu Giấy, cả F0 và F1 gần hết lớp do đó nhà trường cho cả lớp chuyển sang học trực tuyến. Tuy nhiên, cũng có lớp chỉ xuất hiện 1-2 F0 nhưng phụ huynh cũng lo lắng xin cho con học trực tuyến tại nhà.
Khó đảm bảo chất lượng trực tuyến
Bà Trần Thị Lệ Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Phú La cho biết, trường có 1.700 học sinh, đến nay có khoảng 50 F0 và 150 học sinh F1. Dù chuẩn bị rất kỹ càng nhưng tổ chức dạy học trong giai đoạn này phát sinh nhiều tình huống khiến Ban giám hiệu, giáo viên rất vất vả ứng phó. Nan giải nhất là giáo viên cũng trở thành F0, học sinh lên lớp buộc phải vào phòng học Zoom để cô ở nhà dạy trực tuyến. Hay như, các em vừa đến trường háo hức học trực tiếp nhưng bạn bên cạnh là F0, bỗng dưng thành F1 phải ở nhà cũng khiến các em rất buồn. Cách đây 1 ngày, nhân viên y tế cũng bị sốt. Có ngày, giáo viên có yếu tố dịch tễ phải kiểm tra. Cũng may, phụ huynh học sinh đều đã có sự chuẩn bị tâm lý cũng như biểu hiện của các trường hợp F0 rất nhẹ nên đến nay khi hay tin ở lớp này, lớp nọ có thêm F0, các em cũng không hoang mang.
Bà Hà khẳng định, việc dạy học trực tiếp, trực tuyến kết hợp chỉ là giải pháp tạm thời vì trong thời gian ngắn ngủi, giáo viên tập trung bài giảng, tương tác chủ yếu học sinh trên lớp, khó đảm bảo cho chất lượng học sinh trực tuyến. Trường đã mua camera chất lượng và kiểm tra thử đường truyền âm thanh, hình ảnh đảm bảo. Với những học sinh F0, F1 là đối tượng thiệt thòi, nhà trường giao giáo viên bộ môn phải gửi thêm video bài dạy, hỗ trợ học sinh.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay các trường đều được yêu cầu có kịch bản ứng phó với dịch bệnh kỹ càng, đảm bảo an toàn đồng thời chuẩn bị điều kiện để dạy trực tiếp và trực tuyến song song. Do đó, học sinh ở nhà vẫn có thể học trực tuyến, tiếp thu bài học một cách bình thường. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT cũng đã yêu cầu các nhà trường tuyên truyền, phân tích rõ cho phụ huynh hiểu được lợi ích của việc trẻ đến trường, các con được giao tiếp, tương tác với bạn, với cô, học tập hiệu quả hơn.
Bộ GD&ĐT vừa có kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 theo hướng rút gọn thời gian cách ly và số lần xét nghiệm đối với F1 để thuận lợi mở cửa trường học.