Ưu tiên xét chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh có bị thiệt?

0:00 / 0:00
0:00
Có chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một trong số hàng chục phương thức xét tuyển vào đại học. Ảnh: Như Ý
Có chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một trong số hàng chục phương thức xét tuyển vào đại học. Ảnh: Như Ý
TP - Phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ để tuyển sinh đang được các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) áp dụng rộng rãi những năm gần đây.

Năm 2022, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ có những điều chỉnh về tổ hợp và điều kiện xét tuyển với ngành Hàn Quốc học như xét tuyển như thêm tổ hợp ba môn Toán, Văn, tiếng Hàn, bổ sung điều kiện về điểm thi ngoại ngữ... để đáp ứng yêu cầu và chất lượng của chương trình đào tạo.

Trước đó, năm 2021 ở ngành này, nếu như ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), chỉ có thí sinh sinh ở các địa phương được cộng điểm ưu tiên mới đủ điểm trúng tuyển thì ngược lại ở các tổ hợp có ngoại ngữ (D01, D04, D78, D83) đa số thí sinh trúng tuyển lại ở các khu vực thành phố, trong đó có Hà Nội.

Trường ĐH Y Hà Nội, ngành Y khoa luôn có điểm chuẩn cao nhất, nhưng tỷ lệ học sinh tại Hà Nội trúng tuyển theo tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) rất thấp, chỉ 10% hoặc chưa đạt con số này. Trong khi đó, năm 2021, lần đầu tiên, Trường ĐH Y Hà Nội áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và tổ hợp môn thi tốt nghiệp B00, kết quả, số lượng thí sinh Hà Nội trúng tuyển đã tăng lên đáng kể.

Thực tế cho thấy, thí sinh khu vực thành thị, vùng kinh tế phát triển có lợi thế đầu tư ngoại ngữ. Nhưng thí sinh ở vùng khó, vùng nông thôn lại có đặc quyền được cộng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng.

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không phải tiêu chí duy nhất

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, một số cơ sở giáo dục ĐH thuộc tốp đầu, học hoàn toàn bằng Tiếng Anh nên việc các trường sử dụng thêm các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển là điều bình thường. Tuy nhiên, các trường còn căn cứ kết hợp cả kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT, học sinh trường chuyên… Nếu có năng lực và đủ quyết tâm, ôn tập tốt, tinh thần vững vàng, thí sinh vẫn hoàn toàn có thể trúng tuyển, không mất cơ hội.

Một thực tế khác mà bà Thủy nhắc đến là trong 2 năm qua, một số thí sinh đã ôn luyện và thi được các chứng chỉ IELTS, TOEFL nhưng không thực hiện được mục tiêu chính là du học nên dùng kết quả đó để đăng ký và nhập học vào các trường trong nước. Điều này có thể khiến số thí sinh sử dụng chứng chỉ này để đăng ký xét tuyển cũng cao hơn một chút so với trước.

Hơn nữa, với xu hướng quốc tế hóa giáo dục ĐH, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, việc các trường ĐH (nhất là các trường hàng đầu) sử dụng các tiêu chí chuẩn hóa quốc tế, được công nhận rộng rãi trên thế giới (như SAT, ACT, IELTS…) để tuyển sinh, đồng thời tiếp tục thu hút hơn nữa thí sinh nước ngoài tới học cũng là điều dễ hiểu. “Điều này cũng đúng theo quyền tự chủ kèm theo trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH”, bà Thủy nói.

Tuy nhiên, bà Thủy cho hay, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường khi đưa ra những phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh cũng cần đảm bảo sự ổn định, tránh gây xáo trộn, biến động lớn ảnh hưởng việc học tập và ôn luyện của thí sinh. Các tiêu chí tuyển sinh cần phù hợp với ngành đào tạo và phân loại được thí sinh, việc xét tuyển thực hiện trên cùng thang đo, trên một mặt bằng chung nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, tăng cường cả chất lượng đào tạo, để xây dựng và khẳng định uy tín của nhà trường; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, giảm áp lực cho thí sinh, đảm bảo công bằng.

Năm 2021, ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức chứng kiến kỷ lục khi chỉ xét tuyển thí sinh có hộ khẩu tại Thanh Hóa nhưng điểm chuẩn tổ hợp C00 cao nhất nước, 30,5/30 điểm. Tại Trường ĐH Tây Bắc, số lượng thí sinh đạt từ 27,45 - 30,45/30 điểm là 14 người. Tất cả những thí sinh này đều được cộng tối đa 2,75 điểm.

MỚI - NÓNG