Cổng chào 'tiền tỷ'... chào ai?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là tỉnh khó khăn trong việc cân đối nguồn lực đầu tư phát triển, nhưng để đạt các tiêu chí để thành phố lên đô thị loại 2, Kon Tum không ngại chi 20 tỷ đồng để xây dựng 13 cổng chào trên các tuyến đường chính của thành phố Kon Tum. Trong đó có công trình triển khai lắp đặt khi chưa được chấp thuận hồ sơ thiết kế.

Chi 20 tỷ làm 13 cổng chào

Ngày 14/1, trả lời Tiền Phong, ông Mai Văn Trí- Trưởng Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Kon Tum (BQLDA TP Kon Tum) cho biết, trong năm 2021, thành phố đã và đang xây dựng 11 cổng đèn led trên 8 tuyến đường chính (1 cổng di dời cải tạo lại), 2 cổng chào đầu cửa ngõ phía Bắc và phía Nam vào TP Kon Tum. Toàn bộ các dự án do ban này làm chủ đầu tư.

Ông Trí khẳng định, việc lựa chọn nhà thầu các dự án được tổ chức công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. “Tổng số tiền làm 13 cổng chào hơn 20 tỷ đồng từ nguồn vốn thu tiền sử dụng đất và các nguồn vốn hợp pháp khác. Các dự án nhằm thay đổi mỹ quan đô thị, tạo điểm nhấn cho khu vực trung tâm cũng như tại các cửa ngõ đi vào TP Kon Tum. Điều này góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc, văn hoá địa phương đến du khách gần xa, đặc biệt là dịp lễ”, ông Trí nói.

Cổng chào 'tiền tỷ'... chào ai? ảnh 1

Một trong những cổng chào của TP Kon Tum

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Mân - Chủ tịch UBND TP Kon Tum giải thích: “Cổng chào là một trong các yêu cầu để thành phố lên đô thị loại 2. Trong quá trình làm không có chuyện tư lợi”.

Chưa được chấp thuận hồ sơ thiết kế

Liên quan tới việc xây dựng, lắp ghép các cổng chào trên, ngày 28/12/2021, Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo xử lý vi phạm xây dựng các cổng chào trái phép tại 5 vị trí (trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP Kon Tum) trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Cả 5 cổng chào này chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hồ sơ thiết kế, có nguy cơ rơi, gãy, đổ cấu kiện xuống mặt đường gây tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông.

Trước sự việc trên, Chi cục Quản lý đường bộ III.4 (Cục Quản lý đường bộ III) đã lập hồ sơ vi phạm hành chính đối với BQLDA TP Kon Tum về hành vi vi phạm nêu trên. Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đồng thời có văn bản gửi UBND TP Kon Tum đề nghị chỉ đạo xử lý tháo dỡ cổng chào. Tuy nhiên, BQLDA xây dựng Kon Tum mới chỉ chấp hành nộp phạt, chưa thực hiện các quy định của pháp luật về thủ tục chấp thuận và cấp phép thi công công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ.

Liên quan đến vụ việc này, Sở GTVT Kon Tum cho biết đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Kon Tum tạm dừng thi công các cổng chào trên cho đến khi thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục chấp thuận và cấp phép thi công công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ.

Trao đổi với Tiền Phong, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum Dương Văn Trang cho biết: “Tôi được biết việc làm cổng chào của TP Kon Tum là nguồn riêng để chỉnh trang đô thị. Việc này nằm trong kế hoạch của thành phố, khi làm đều thông qua hội đồng. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ nói lại thành phố nghiên cứu để có phương án khả thi, tiết kiệm, khoa học hơn nữa”.

Toàn tỉnh Kon Tum hiện còn hơn 14 nghìn hộ nghèo và cận nghèo (chiếm tỷ lệ hơn 10,29% dân số toàn tỉnh), chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước năm 2021 ngày 6/1 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho biết, năm 2021, tỉnh này thu NSNN đạt 3.602 tỷ đồng, đạt 135,7% so dự toán Trung ương giao và 102,9% so dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Tuy nhiên, địa phương còn khó khăn trong việc cân đối nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển, các chính sách, đề án của tỉnh, vì thu ngân sách trên địa bàn còn thấp, chiếm khoảng 39% trên tổng chi cân đối ngân sách địa phương; hằng năm phải dành 70% tăng thu thực hiện để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định của Trung ương.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.