Đảm nhận cùng lúc vai diễn trinh sát An trong “Mặt nạ gương” và công an xã Vũ Minh Hoàng trong “Phố trong làng”, Khánh đã đến với hai vai diễn này như thế nào?
Tôi nhận 2 vai diễn này trong khoảng thời gian khác nhau. Vai trinh sát An trong phim “Mặt nạ gương” từ hồi tháng 5 vừa rồi, còn vai Hoàng trong phim “Phố trong làng” tôi được nhận sau đó, vào tháng 7. Hai vai diễn đều về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân, nhưng vai trinh sát An là lính hình sự, còn vai Hoàng là công an xã, tính chất công việc khác nhau. Một bên giải quyết những vụ án hình sự, một bên là giải quyết những công việc hành chính, và những câu chuyện xoay quanh bối cảnh nông thôn, đời sống nhiều hơn.
Duy Khánh với tạo hình nhân vật Hoàng- công an xã trong "Phố trong làng". |
Khánh làm thế nào để không bị lẫn giữa hai nhân vật này?
Việc nhận cả 2 vai đều là công an, lại phát sóng cùng thời điểm cũng khiến cho tôi thấy áp lực. Để cố gắng diễn xuất rõ nét 2 nhân vật này, tôi dựa vào tính chất công việc của mỗi người. Với hình tượng người lính trinh sát hình sự, tôi xây dựng một trinh sát An có nét lạnh, quyết đoán, mạnh mẽ và sắc bén trong từng hành động, lời nói. Còn với Hoàng của “Phố trong làng”, tôi xây dựng một nhân vật hoạt bát, năng động và vui vẻ, cười nhiều hơn so với nét trầm của trinh sát An.
Duy Khánh đã chuẩn bị như thế nào để thể hiện hình tượng chiến sĩ công an trên màn ảnh một cách chân thật, sinh động, không bị cứng?
Công an là một ngành nghề đặc thù hơn so với các nghề khác, nên tôi cũng khó đi thực tế để tìm hiểu. Tôi tìm hiểu và chuẩn bị bằng cách tham khảo các bộ phim về hình tượng người công an cả trong nước và nước ngoài để có thêm hiểu biết và cảm hứng. Ngoài ra, trong quá trình làm phim, tôi cũng được đạo diễn và các diễn viên đàn anh chỉ bảo rất nhiều để tôi có thể hoàn thành vai diễn của mình.
Ở "Mặt nạ gương", Duy Khánh vào vai trinh sát hình sự An. |
Riêng với “Mặt nạ gương”, bộ phim có nhiều cảnh phải truy bắt tội phạm, Khánh có kỉ niệm hay ấn tượng nào đáng nhớ?
Tôi nhớ những lần quay cảnh đuổi theo tội phạm, lần đầu cầm súng, làm các động tác, tác phong của lính hình sự khiến tôi rất thích. Ví dụ như cảnh truy bắt bác sĩ Tuấn (NSƯT Tạ Tuấn Minh), nhân vật An của tôi và Tùng (Bảo Anh) đạp cửa lao vào để truy bắt đối tượng, tuy chưa thể lột tả hết được cái thần của cảnh sát hình sự nhưng tôi đã có được một trải nghiệm thú vị. Theo tôi, để lột tả được hình tượng người trinh sát thì đi đứng phải nhanh nhẹn, khoẻ khoắn, nói năng phải dứt khoát, dõng dạc, mạch lạc.
Nam diễn viên trẻ chưa bao giờ nề hà chuyện vai chính vai phụ, miễn là được làm nghề. |
Liên tục nhiều năm nay, từ khi còn đang là sinh viên đến bây giờ, Khánh xuất hiện khá đều đặn trong các bộ phim truyền hình dài tập, tuy nhiên phần lớn là vai phụ. Có bao giờ Khánh cảm thấy nản lòng vì điều đó?
Tôi yêu thích công việc làm phim. Là một diễn viên chuyên nghiệp, tốt nghiệp khoa Diễn viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, được đào tạo bài bản nên tôi rất mong muốn được làm nghề, bất kể là vai chính hay vai phụ. Đó là những cơ hội quý giá để tôi rèn giũa, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho nghề nghiệp lâu dài của mình.
Hiện tại, Duy Khánh vẫn hoạt động nghệ thuật tự do để có những trải nghiệm riêng trong nghề. |
Vì sao Khánh vẫn lựa chọn hoạt động nghệ thuật tự do mà không đầu quân về một đơn vị nào đó để ổn định làm nghề?
Hiện tại tôi đã tốt nghiệp được 2 năm, và tôi vẫn là diễn viên tự do. Trong tương lai tôi dự định sẽ về một đơn vị nhà hát để công tác. Lý do hiện tại tôi vẫn chọn con đường tự do vì tôi muốn có quãng thời gian trải nghiệm mọi thứ bên ngoài thật thoải mái sau khi kết thúc 4 năm đào tạo trong trường. Và cũng để suy nghĩ thật kỹ rồi chọn cho mình một nơi phù hợp để cống hiến một cách nghiêm túc.
Cảm ơn những chia sẻ của Lưu Duy Khánh!