Tại Hội thảo "Báo cáo nghiên cứu Khoa học Giáo dục Việt Nam 1991 -2019" do trường Đại học Thành Đô cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia phối hợp tổ chức, Nhóm nghiên cứu Đổi mới giáo dục Reduvation cho biết trong giai đoạn 1991 – 2019, đã có 223 công trình nghiên cứu khoa học giáo dục từ các tác giả Việt Nam được công bố.
Số lượng công bố nghiên cứu khoa học giáo dục của tác giả Việt Nam theo thời gian.Nguồn: Nhóm nghiên cứu Đổi mới giáo dục Reduvation |
Tài liệu đầu tiên được ghi nhận là bài báo của tác giả Lê Thạc Cán công bố năm 1991. Dựa theo số lượng công bố hàng năm, nhóm nghiên cứu đã chia thành bốn giai đoạn được xác định: Giai đoạn sơ khởi từ 1991 đến 2006; Giai đoạn định hình từ 2007 đến 2011; Giai đoạn phát triển từ 2012 đến 2016; Giai đoạn tăng tốc từ 2017 đến 2019.
Trong đó, giai đoạn tăng tốc đã công bố 105 tài liệu chiếm tỷ lệ lớn nhất, hơn 47% tổng số công bố.
Trong số 223 công trình đã được công bố, số bài được đăng ở dạng bài báo trên các tạp chí khoa học là 178, chiếm gần 80% tổng số. Tiếp đến là dạng chương sách, với 38 tài liệu tương ứng 16.96%. Hai dạng tài liệu, bài tham luận hội thảo và sách, ít được tác giả Việt Nam quan tâm với số lượng tương ứng là 5 và 3 công bố.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị nghiên cứu có năng suất lớn nhất trong cộng đồng nghiên cứu khoa học giáo dục của người Việt Nam. Tổng cộng, các nhà khoa học từ Đại học này đã công bố 129 công trình, chiếm tỷ lệ 48.88%, số lượt trích dẫn là 874.
Tiếp theo là Đại học RMIT Việt Nam (22 tài liệu, tỷ lệ 9.86%, 91 lượt trích dẫn), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (9 tài liệu, tỷ lệ 4.04%, 66 lượt trích dẫn), Đại học Thái Nguyên (8 tài liệu, tỷ lệ 3.59%, 18 lượt trích dẫn).
Nhiều đơn vị nghiên cứu mới xuất hiện từ 2017 trở lại đây, dần trở thành các trung tâm của cộng đồng nghiên cứu về khoa học giáo dục. Các đơn vị nghiên cứu mới này hợp tác với nhau để trở thành các mạng lưới nghiên cứu chủ đạo. Trong các đơn vị mới xuất hiện này, tiêu biểu có thể kể đến Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Học viện Dân tộc, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học Phú Xuân.
Về tác giả, nhóm nghiên cứu cho hay, trong giai đoạn 1991 – 2019, công trình nghiên cứu của Trần Thị Tuyết, Đại học Quốc Gia Hà Nội (2013) là tài liệu có sức ảnh hưởng lớn nhất với 59 lượt trích dẫn. Tiếp đến là các công bố của Đặng Thị Kim Anh (2013), Nguyễn Thị Mai Hoa (2011), và Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2015) với số lượt trích dẫn lần lượt là 55, 52, và 50.
Được biết, Nhóm nghiên cứu Đổi mới giáo dục Reduvation được thành lập tháng 9/2020 theo mô hình hợp tác trường – trung tâm nghiên cứu với hai đơn vị “đồng chủ quản” là Trường Đại học Thành Đô và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia gồm: TS. Phan Thị Thanh Thảo là Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô, đồng trưởng Nhóm nghiên cứu Đổi mới Khoa học giáo dục Reduvation; TS. Phạm Hùng Hiệp là Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia, đồng trưởng Nhóm nghiên cứu Đổi mới giáo dục Reduvation; ThS. Lương Đình Hải là cán bộ nghiên cứu tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; ThS. NCS. Hoàng Anh Đức là Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia; Đỗ Minh Trang là sinh viên trường Đại học Thành Đô; Đoàn Thị Phương Thục là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia.