Lê Trí Dũng là một họa sỹ nổi tiếng. Ông có khả năng làm chủ nhiều chất liệu: Sơn mài, sơn dầu, lụa… Và ông cũng có khả năng chiếm lĩnh đa dạng đề tài. Nhưng nhắc đến Lê Trí Dũng thì phải nhắc đến tranh ngựa. Tranh ngựa không chỉ nuôi sống họa sỹ mà còn tạo cho ông dấu ấn đặc biệt trong làng hội họa đương đại Việt. Một trong những nhà sưu tập lớn của dòng tranh ngựa Lê Trí Dũng chính là ông Trương Nhuận (1957-2020), nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ. Nhà hát Tuổi Trẻ từng là “ngôi nhà” nữ diễn viên “Sống chung với mẹ chồng” gắn bó và có nhiều kỷ niệm.
Bảo Thanh từng là diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ (Ảnh: Internet) |
+ Chào họa sỹ Lê Trí Dũng, ông có quen biết nữ diễn viên Bảo Thanh không?
- Họa sỹ Lê Trí Dũng: Chúng tôi không quen nhau.
+ Nhưng hình như Bảo Thanh có sưu tập tranh của ông? Nữ diễn viên sở hữu bức tranh ngựa khá lớn của ông?
- Họa sỹ Lê Trí Dũng: Cô ấy không sưu tập tranh của tôi. Mà cô ấy thích thì mua một bức thôi, sau khi thống nhất với chồng! Và nhờ Trương Nhuận mua hộ!.
Bức tranh ngựa của Lê Trí Dũng mà Bảo Thanh đang sở hữu (Ảnh: Internet) |
+ Vì sao cô ấy biết đến tác phẩm này của ông?
- Họa sỹ Lê Trí Dũng: Nhà đấu giá Chọn triển lãm tranh của tôi. Cô ấy đến xem và thích bức này nên nhờ Trương Nhuận mua hộ.
+ Bức tranh thuộc sở hữu của cô ấy từ năm nào?
- Họa sỹ Lê Trí Dũng: Nếu tôi nhớ không lầm là khoảng năm 2019.
+ Trương Nhuận vốn là một người yêu mến tranh ngựa Lê Trí Dũng và sở hữu bộ sưu tập khổng lồ. Nhờ Trương Nhuận mua giúp thì Bảo Thanh được lợi gì?
- Họa sỹ Lê Trí Dũng: Nể Trương Nhuận nên tôi bán với giá “hữu nghị” hơn giá niêm yết ở Chọn.
Ông Trương Nhuận (trái) và họa sỹ Lê Trí Dũng (phải) (Ảnh: Internet) |
+ Bức tranh mà Bảo Thanh sở hữu khổ ra sao và bằng chất liệu gì, thưa ông?
- Họa sỹ Lê Trí Dũng: 110x110 cm, Acrylic.
+ Bao giờ người yêu hội họa lại được chiêm ngưỡng triển lãm tranh ngựa của ông?
- Họa sỹ Lê Trí Dũng: Chắc triển lãm ở Chọn là lần cuối cùng. Tôi bây giờ không cần danh lợi nữa. Đủ rồi. Chỉ vẽ chơi thôi… Hết sức tự do.
+ Mùa dịch họa sỹ tiêu thời gian thế nào?
- Họa sỹ Lê Trí Dũng: Hai năm dịch tôi vẽ được nhiều nhất và đẹp nhất. Bởi vì tôi như bị cách ly, giam một chỗ nên tập trung tư tưởng không bị phân tâm. Vẽ rất nhiều!