Trạng Tí phiêu lưu ký là phim hiếm hoi thời gian này tận dụng chất liệu dân gian Việt Nam để làm sản phẩm giải trí cho thiếu nhi. Hình ảnh đầm sen, mái chùa, ông Thiện, ông Ác… hiện lên sống động phần nào sẽ làm các bạn nhỏ cảm thấy gần gũi hơn với truyền thống ông cha. Dù bối cảnh, trang phục… thiên về Bắc bộ, nhưng phim vẫn sử dụng nguyên giọng của các diễn viên miền Nam. Tiếng ngoài hình cũng Nam nốt. Phim có chỗ phải giãn thời gian thật để các nhân vật thuyết minh thêm về các câu đố dành cho Tí vì nó quá lắt léo. Khán giả không phải người miền Nam e rằng còn không nghe nổi câu đố cũng như một số đoạn thoại, tiếng ngoài hình sử dụng giọng Nam rặt khác.
Ngôi làng cổ tích trong phim tiếp tục khác biệt khi được đặt trong bối cảnh non nước Tràng An, chuẩn “khuếch trương du lịch”. Bị thiên nhiên lấn lướt nên khung cảnh thôn làng thành ra lại trở nên chật chội (toàn cảnh từ trên cao chẳng khác nào sa bàn với các cây hoa xanh đỏ). Và lòng người dân làng Phan Thị hình như cũng chật theo.
Tạo hình của thần hổ trong phim |
Khung cảnh đầu phim đã ngột ngạt với sự lấn át của các nhân vật ghê gớm, nanh nọc. Mẹ con Tí toàn thấy bị hà hiếp bắt nạt. Theo lời mẹ an ủi Tí thì cũng có những người tốt nhưng phim không tập trung khắc họa điều đó. Không chỉ hai mẹ con thân cô thế cô bị coi thường, đến cha con nhà tướng cướp cũng mang mặc cảm tương tự. Ngay cả thầy giáo tưởng như phải là một biểu tượng ngời sáng cho tinh thần tôn sư trọng đạo bất khả xâm phạm cũng bị ăn hiếp như thường, lại còn một cách vô cớ. Sự hạ bệ này cốt chỉ để minh họa cho tính cách đanh đá của nhân vật.
Một trong những thước đo thành công của phim thiếu nhi là khiến người lớn cũng thấy hay và bị thuyết phục. Nhưng Trạng Tí chắc chỉ đạt đến mức giải trí được cho một bộ phận khán giả nhí. Cộng với những đặc điểm như trang phục kiểu sân khấu (sặc sỡ, mới coóng, kiểu dáng cải biên), đồ họa còn thô vụng và kỹ xảo chưa thực sự mãn nhãn (đủ để tạo nên những bức tượng biết cử động chứ không giống sinh thể sống), Trạng Tí giống như một phiên bản nâng cao của dòng phim video cổ tích mà Việt Nam đã sản xuất được từ những năm 1990.
Rất phản cảm với cảnh mẹ Dần Béo không chỉ hành hung chồng mà còn không tha cả thầy giáo của con mình lại đang là thực khách của quán mình. Vậy mà quán vẫn đông khách mới lạ?! Hy vọng bọn trẻ chỉ thấy buồn cười chứ không đúc rút ra quy luật gì từ hiện tượng chỉ có trong phim này. Một chi tiết “ra vẻ nguy hiểm” nữa là Sửu Ẹo- con gái của thầy giáo phát hiện ra bố nói dối là ở nhà dạy thêm để đi ra quán ăn uống. Nhà sư thì tự trào chẳng qua vì bẩm sinh ngu độn nên sư phụ đặt tên Thích Thông Tuệ làm mục tiêu phấn đấu.
Nói chung phim có xu hướng lật đổ các giá trị. Có nhiều cách để đứng về phía trẻ em trong các tác phẩm nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Nhưng một trong những cách ít tính giáo dục hơn cả chính là đặt trẻ con ở vị trí đối kháng với người lớn. Phim cho thấy quá nhiều hình mẫu người lớn xấu tính, độc ác, đần độn khiến trẻ con đành phải ra tay dạy dỗ. Phim truyền tải thông điệp: chỉ có bố mẹ, gia đình là nơi nương náu an toàn giữa một xã hội toàn lọc lừa xấu xa?
Mượn sự hình tượng các nhân vật đã được nhiều độc giả biết tới, một phần Trạng Tí vẫn là sự lắp ghép của vài câu chuyện trạng trẻ con quen thuộc trong dân gian như lấy quả bưởi lên khỏi giếng hay dùng que bóng nắng để đo chiều cao cây. Phần giữa của phim với sự xuất hiện của băng cướp rạch giời rơi xuống mang phong cách da đỏ của thuyền trưởng Hook trong Peter Pan.
Tiếp theo, phim có một cú lật khá hay nhưng đến đoạn tưởng gay cấn nhất lại dễ khiến khán giả chưng hửng. Hóa ra câu chuyện chỉ loanh quanh chỉ có thế. Ngay động cơ đi tìm bậc thầy biết mọi thứ chỉ để giải quyết một thắc mắc rất cá nhân đã cho thấy “tầm” của Trạng Tí.
Trang phục trong phim khá lòe loẹt với các sắc tông màu tươi đậm |
Nhưng thôi không sao, số trời đã định Tí sinh ra để mở khóa “kho tàng tri thức nhân loại” rồi thì khi cần lại truy cập vào để giải đáp bất cứ thắc mắc nào, có sao đâu. Song như vậy thì chả hóa ra phim làm quá lên về cú truy cập đầu tiên đầy kịch tính. Để rồi gây hụt hẫng khi hóa ra tất cả chỉ là các màn trình diễn kỹ xảo chỉ mang tính góp vui cho một “gameshow” giải đố, mà vài câu đố đã có sẵn trong tích truyện dân gian. Chứ không việc gì phải đao to búa lớn như kiểu giải cứu Trái Đất mà các phim thiếu nhi thế giới cứ sa đà vào(!)
Nhân vật Tí chào sân với sứ mệnh lớn lao giáng thế dẹp loạn nhân gian nhưng trong suốt phim chưa thực sự phát huy được tư chất đó. Có những lúc Tí tỏ ra rất thông minh, nhanh trí, đầy thần thái (thậm chí có cả thế lực khi liên kết với quan huyện) nhưng những lúc khác lại nhẹ dạ, yếu đuối và có phần ích kỷ. Lúc thì như thủ lĩnh, lúc lại thành nạn nhân của bắt nạt học đường… Cũng như nhiều nhân vật khác, Tí chưa thực sự có tính cách rõ rệt, xuyên suốt. Đây là một trong những hạn chế cơ bản của phim.
Kết phim bọn xấu bị trả về “nơi sản xuất”, trẻ con về với bố mẹ. Không có gì hứa hẹn dân làng Phan Thị sẽ “cải tà quy chính” thương yêu, thông cảm nhau hơn. Vì các cặp bố mẹ vẫn cứ lặp đi lặp lại những câu thoại vô nghĩa với con mình, như để câu giờ. Vả lại trong một cộng đồng mà biểu tượng uy lực tối cao lại hiện hình dưới dạng hổ thì đừng trách bạo lực lên ngôi. Không hiểu căn cứ vào đâu để chọn hình tượng hổ, làng Phan Thị phải chăng có nguồn gốc từ một bộ lạc săn bắn? Hay là hình hổ thì dễ làm kỹ xảo đồ họa hơn?
Mượn sự hình tượng các nhân vật đã được nhiều độc giả biết tới, một phần Trạng Tí vẫn là sự lắp ghép của vài câu chuyện trạng trẻ con quen thuộc trong dân gian như lấy quả bưởi lên khỏi giếng hay dùng que bóng nắng để đo chiều cao cây. Phần giữa của phim với sự xuất hiện của băng cướp rạch giời rơi xuống mang phong cách da đỏ của thuyền trưởng Hook trong Peter Pan.