Cơ hội lớn cho cá ngừ Việt Nam vào EU
Mới đây, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Khánh Hoà đã tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi, chống khai thác IUU và xuất khẩu cá ngừ vào thị trường châu Âu theo hiệp định EVFTA.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó với ngành thủy sản, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA kỳ vọng tạo ra cơ hội to lớn cho xuất khẩu thủy sản.
Cụ thể, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.
Theo Thứ trưởng Tiến, tận dụng lợi thế này, từ đầu tháng 8 đến nay xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng đáng kể.
Tuy nhiên, để sẵn sàng cho EVFTA có hiệu lực, trong thời gian qua các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhập thông tin hoạt động chế biến, logistics… để đáp ứng được nội dung đưa ra trong hiệp định này.
Đặc biệt, Việt Nam cũng đang huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nỗ lực ở mức cao nhất để tháo gỡ thẻ vàng IUU, để đảm bảo phát triển bền vững và giữ uy tín của ngành thủy sản Việt Nam.
Cũng theo Thứ trưởng, bên cạnh mặt hàng tôm, cá ngừ là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch cao của Việt Nam sang EU. Bởi nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại nhà của người Châu Âu tăng mạnh do tác động đại dịch Covid-19.
Theo đại diện Công ty TNHH Hải Vương, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm từ thủy sản, đặc biệt là cá ngừ đại dương ở Khánh Hoà cho biết, với cá ngừ đông lạnh dạng fillet và loin thuế suất cơ bản từ 18% sẽ được giảm về 0% theo lộ trình 3 năm; cá ngừ đóng hộp EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn/năm.
Có thể nói đây là cơ hội để doanh nghiệp tăng cường mở rộng thị trường và tận dụng lợi thế cạnh tranh với đối thủ các nước như Thái Lan đang chịu mức thuế là 18-24%.
Nỗ lực chống khai thác IUU
Cũng tại hội nghị nói trên, ông Saonil Miguenz Ruben, Phó Trưởng Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Tây Ban Nha tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và ngư dân Việt Nam trong chống khai thác IUU theo như khuyến nghị của EC.
Ông Saonil Miguenz Ruben cho hay, để tuân theo khuyến cáo của EC, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản 2017 và các văn bản đi kèm đều hướng tới việc phát triển thủy sản và nghề cá bền vững.
Cùng đó, để thực thi nghiêm, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống khai thác IUU. Trong đó, yêu cầu các tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và đánh dấu tàu cá. Điều này cho thấy Việt Nam có sự tiến bộ rõ rệt so với kết quả kiểm tra lần trước.
Tính đến ngày 31/8/2020, số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15 mét trở lên đạt tỷ lệ 80,61%. Trong đó, tàu cá từ 24 mét trở lên là 2.204/2.600 tàu đạt tỷ lệ 84,77%. Còn tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét đã lắp đặt 22.667/28.251 tàu đạt tỷ lệ 80,23%.
Ông Saonil Miguenz Ruben còn đánh giá cao việc Việt Nam tích cực triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản trong chuỗi cung ứng thủy sản theo các công đoạn từ giám sát đánh bắt, cập cảng, nhập khẩu cho đến chế biến và lưu thông trên thị trường.
Ông cũng cho rằng, Việt Nam cũng kiểm soát tốt việc tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng. Bên cạnh đó, việc đóng tàu mới đều theo tiêu chuẩn Luật quy định cũng như tiêu chuẩn châu Âu đã có khuyến cáo Việt Nam.
Theo đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Tây Ban Nha tại Việt Nam, Việt Nam cũng đã tiến hành lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản để từ đó quy hoạch lại đội tàu khai thác cho phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.
Bước đầu đã triển khai thực hiện Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), kiểm soát thủy sản, nguồn gốc thủy sản từ khai thác của tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam…
Theo ông Saonil Miguenz Ruben, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản. Trong khi đó, EU là thị trường tiêu thụ thủy sản rất lớn, khoảng 22 kg/người/năm. Vì vậy, Hiệp định EVFTA có hiệu lực là cơ hội tuyệt vời cho thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên để xuất khẩu thủy sản sang EU thuận lợi, ông Saonil Miguenz Ruben lưu ý các sản phẩm phải truy xuất nguồn gốc, tránh đánh bắt bất hợp pháp.
Cùng với đó các sản phẩm thủy sản phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và dán nhãn sản phẩm, cũng như phải tuân theo tiêu chuẩn về vệ sinh theo khuyến cáo của EU. Những giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm có thể theo tiêu chuẩn như IFS hoặc BRC. Ngoài tiêu chuẩn trên, sản phẩm thủy sản vào thị trường châu Âu cũng đòi hỏi cao về trách nhiệm xã hội và môi trường.