Làm thế nào để các trường đại học thật sự tự chủ?

TPO - Hơn 40 đại biểu giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ các trường đại học và các viện nghiên cứu trong cả nước tham dự Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về quản lý Nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam”, tổ chức ngày 13/6, tại TP Tuy Hòa, Phú Yên.
Toạ đàm do Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức.
Phát biểu đề dẫn, GS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, nhấn mạnh: “Sự nghiệp giáo dục nước ta đã 4 lần đổi mới, cải cách, nhưng vẫn còn quá nhiều bất cập, cần thiết đổi mới hơn nữa mới theo kịp quốc tế. Trong các tư duy cần đổi mới, là ở khu quản lý Nhà nước, đó là luật, là cơ chế, là chính sách từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Do vậy, việc sống còn của giáo dục đại học Việt Nam là tự chủ”.
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, tìm cách gợi mở những vấn đề về mô hình nào cho tự chủ đại học ở Việt Nam? Làm thế nào để các trường đại học thật sự tự chủ? Làm thế nào để có một hội đồng trường là chủ nhân, là người có quyền thật sự của trường?...
Trong đó, nhiều tham luận đáng chú ý, như: “Tự chủ đại học” của GS.TS Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam); “Cách tiếp cận cho quản lý đại học trong xu hướng gia tăng quyền tự chủ chủ các trường đại học tại Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT); “Thành lập Hội đồng trường trong các trường đại học, bước đi tất yếu trong tiến trình đổi mới để hội nhập với thế giới của giáo dục đại học Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Huy Vị (trường ĐH Phú Yên),… 
Làm thế nào để các trường đại học thật sự tự chủ? ảnh 1  GS.TS Trần Hồng Quân với tham luận “Tự chủ đại học". Ảnh: Văn Tài
Theo TS Lê Viết Khuyến,Trưởng ban hỗ trợ chất lượng đại học (Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam): “Hiện nay chủ trương trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học đã giúp một số trường đại học có những bước tiến lớn cả về chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, do thói quen bao cấp nên phần lớn các trường đại học (nhất là các đại học công lập) hưởng ứng kém nhiệt tình thậm chí có trường còn cố ý làm sai các chỉ đạo của Nhà nước”. Còn theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Nam Cần Thơ, thực chất việc tự chủ của các trường hiện nay đang vướng phải rất nhiều “vòng kim cô” từ nhiều phía nên việc giao quyền tự chủ cho các trường là một thách thức lớn đối với nhà trường.
Làm thế nào để các trường đại học thật sự tự chủ? ảnh 2 Quang cảnh tọa đàm. Ảnh Văn Tài
Buổi tọa đàm là dịp để Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật tham mưu kiến nghị với Trung ương có những quyết sách đối với việc đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, góp phần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đất nước để thực hiện chủ trương của Đảng, giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Được biết, đến nay, trên cả nước đã có 24 trường đại học được thí điểm tự chủ. Trong đó, Đại học Tôn Đức Thắng là một trường đã tự chủ gần như toàn diện và bước đầu đã có nhiều thành công.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".