Hàng loạt khu dân cư tự phát: Loay hoay tìm hướng xử lý

Một khu dân cư tự phát tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ
Một khu dân cư tự phát tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ
TP - Để xử lý các khu dân cư (KDC) tự phát, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo các các sở ngành, địa phương dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư xây dựng; không để phát sinh các KDC mang tính tự phát vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai, xây dựng. 

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu tổ chức thanh tra các KDC tự phát, xác định rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý cụ thể đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra các vụ việc sai phạm.

 Tuy nhiên, việc xử lý các KDC tự phát hay tình trạng xây dựng sai phép, tách thửa… trên thực tế gặp không ít khó khăn. Theo bà Trần Thị Bạch Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Long Hòa (quận Bình Thủy), mặc dù đã có tuyên truyền phổ biến cho người dân nhưng vì nhu cầu bức xúc về nhà ở, biết xây dựng là vi phạm nhưng họ vẫn tiến hành. Khi phát hiện, phường cũng đến nhắc nhở, lập biên bản cho ngưng thi công, hướng dẫn người dân, tuy nhiên cũng không thay đổi được gì. Khó khăn nhất trong công tác cưỡng chế là thiếu kinh phí và phương án phá dỡ, trên địa bàn phường có hàng trăm trường hợp xây dựng sai phép nhưng năm 2018 chỉ thực hiện cưỡng chế được duy nhất 1 trường hợp và 1 trường hợp tự tháo dỡ…

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy cho biết qua rà soát trên địa bàn quận có 88 KDC tự phát với tổng diện tích trên 708.000m2, quận đã thống nhất chia thành 4 loại để có hướng xử lý. Theo đó, loại 1 thuộc trường hợp đã tách thửa, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng; loại 2 phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết; loại 3 không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; loại 4 là một phần đất ở, một phần cây lâu năm, chưa có quy hoạch xây dựng.

Từ kết quả rà soát, phân loại các KDC tự phát, ông Tuấn cho biết đã thống nhất đề xuất lên UBND thành phố theo 2 hướng chính. Đối với các khu chỉ mới tách thửa (loại 1) và các khu không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (loại 3) sẽ không thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất và không cấp phép xây dựng. Còn đối với các khu loại 2 và loại 4, hiện nay người dân đã sinh sống ổn định lâu dài từ trước khi thành lập quận thì sẽ đề xuất xem xét cho phép áp dụng Luật Đất đai 2013 và Luật Xây dựng 2014…

Còn trên địa bàn quận Cái Răng qua rà soát có 33 KDC có dấu hiệu phân lô, tách thửa (tổng diện tích hơn 61.000 m2), phát hiện có tổng cộng 105 công trình xây dựng (49 công trình có phép, 56 công trình không phép). Tuy nhiên, qua rà soát số KDC tự phát chỉ có 16 khu, trong đó, Thanh tra quận xác định có 7 KDC tự phát, 9 KDC có nguy cơ tự phát. Vì thế, để đảm bảo nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng cao, quận đã đề xuất đối với những KDC phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất chính đáng thì sẽ tiến hành xem xét cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng.

Ông Lê Tấn Thủ - Bí thư Quận ủy Bình Thủy cho biết, Thường vụ Quận ủy cũng đã họp thống nhất chủ trương, những nơi nào đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, không trúng quy hoạch mục đích sử dụng đất thì cấp phép xây dựng, giải quyết yêu cầu nhà ở cho người dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa- Phó Giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ, KDC tự phát là một "quá khứ lâu dài" chứ không phải mới đây mới phát hiện. Theo ông Hòa, Sở TN&MT đã có báo cáo thực trạng và đề xuất giải pháp, hướng xử lý. 

Đại diện Sở TN&MT cho biết Sở sẽ tham mưu cho UBND thành phố và các sở ngành xem xét đưa vào bổ sung quy hoạch kế hoạch sử dụng đất để cho người dân ổn định nếu đủ điều kiện, những KDC tự phát không đủ điều kiện thì cương quyết xử lý. 

MỚI - NÓNG