Suất ăn cho học sinh: Kinh hãi khay đựng thức ăn có dòi

TP - Phụ huynh, học sinh một phen hốt hoảng khi học sinh phát hiện khay đựng thức ăn có dòi...

Nhiều vụ ngộ độc đã xảy ra

Tháng 11/2018, gần 200 học sinh và giáo viên Trường mầm non Xuân Nộn, huyện Đông Anh nhập viện sau khi dùng bữa ăn tại trường. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, học sinh được  xác định là nhiễm khuẩn tiêu hóa vì ngộ độc thực phẩm.

Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Đông Anh đã loại Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Nguyên Cát, đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường học này ra khỏi danh sách các đơn vị cung ứng thực phẩm cho các trường học trên địa bàn huyện. Ngoài ra, địa phương buộc công ty này phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ tổn thất vật chất lẫn tinh thần đối với các trường hợp bị ngộ độc.

Trước đó không lâu, sau bữa ăn bán trú của Trường mầm non Lại Yên, huyện Hoài Đức đã có 31 trẻ có biểu hiện nghi ngộ độc. Sau khi nhập viện, có 9 trẻ được xác định rối loạn tiêu hóa. Hay gần đây nhất là sự việc khiến phụ huynh, học sinh một phen hốt hoảng khi học sinh phát hiện khay đựng thức ăn của học sinh lớp 3, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình có dòi. Khi cơ quan chức năng vào kiểm tra, làm rõ thì phát hiện khay thức ăn có dòi là do sau khi học sinh sử dụng, không được rửa kỹ, còn dư thức ăn nên nảy sinh dòi bọ.

Đó là các sự việc đáng tiếc có quy mô đã xảy ra với các bếp ăn. Riêng các sự việc riêng lẻ xảy ra đối với học sinh thì không thể thống kê hết được. Chị Nguyễn Hà Thu, có con học Trường mầm non Kids Garden, quận Hà Đông (Hà Nội) kể, đang trong giờ làm thì cô giáo gọi điện thông báo con bị đau bụng khóc không ngừng. “Đón con từ tay cô giáo, con kêu đau bụng và liên tục nôn đến oặt cả người. Sợ con bị xoắn ruột nên tôi đưa con đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán con bị rối loạn tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm”, chị Thu nói. Cũng theo chị Thu, vì điều kiện bố mẹ đi làm cả ngày nên phải gửi con ăn bán trú nhưng chị luôn lo ngay ngáy vấn đề thực phẩm.

Cắt hợp đồng khi công ty gian dối

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, mỗi ngày trường cung cấp suất ăn cho trên dưới 1.000 học sinh. Điều mà trường lo nhất là nguồn gốc thực phẩm. Vì thế, khi ký hợp đồng với một công ty cung cấp thực phẩm, có đủ tư cách pháp nhân, có đầy đủ giấy tờ về an toàn thực phẩm nhưng để “siết” được nguồn gốc đầu vào thực phẩm, trường phải đến tận nơi để kiểm tra tận nơi sản xuất.

Hiệu trưởng này kể, trong năm qua, có lần, trong thực đơn của trường có khoai tây, cà rốt là thực phẩm trái mùa. Vì vậy, trường đã cử người đến tận nơi sản xuất để “mục sở thị” thì phía công ty không xuất được nguồn gốc trồng ở đâu. “Phát hiện công ty gian dối, lấy những thực phẩm đó ở chợ nên trường lập tức cắt hợp đồng”, hiệu trưởng này nói.

Cũng trong lần giám sát thực phẩm về đơn vị cung cấp thịt gà, công ty dẫn trường đến hai lò mổ mới thấy trong đó có lò mổ rất bẩn nên trường cho lựa chọn đơn vị khác cung cấp. Cũng theo hiệu trưởng này, việc tổ chức suất ăn bán trú cho học sinh, phải kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm lẫn giám sát chặt chẽ khu chế biến nếu không dễ xảy ra sự cố.

Có mặt tại bếp ăn Trường tiểu học đô thị Sài Đồng, quận Long Biên (Hà Nội), PV tận mắt chứng kiến quy mô bếp ăn hiện đã được đầu tư đồng bộ. Cụ thể, bếp ăn một chiều với khu sơ chế, bể sục ô zôn 3 bước để rửa, khử sạch rau quả sau đó mới đến khu chế biến và nấu nướng. Ở khu bếp mới, bát đũa sau khi ăn còn được cho vào tủ sấy ở nhiệt độ cao để tiệt trùng.

Bà Lê Thị Thu Hường, Hiệu trưởng trường cho biết, tổ chức bếp ăn bán trú đòi hỏi ban giám hiệu phải rất sát sao. Ví dụ, trường đưa ra quy định chặt về việc, giao nhận thực phẩm mỗi sáng hay như, nhân viên nhà bếp phải đến trường tay không về cũng tay không, thực phẩm thừa cũng phải đổ đi, tránh trường hợp nhân viên bớt xén đồ ăn của trẻ.

Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện nay hầu hết bếp ăn tập thể trường học đều đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm. Cụ thể, các khu bếp đảm bảo yêu cầu về khu chế biến đồ sống, khu nấu nướng, rửa bát, tủ lưu trữ mẫu thực phẩm mỗi ngày…Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các trường học, cần có sự quan tâm, trách nhiệm hơn của Ban giám hiệu các trường, cha mẹ học sinh, các công ty kinh doanh thực phẩm.

Trao đổi với Tiền phong, bà Hoàng Thị Kim Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội  cho biết, theo phân cấp, các quận, huyện quản lý các trường kiểm tra bếp ăn trường học 1 lần/ năm, không kể những lần kiểm tra đột xuất. Thành phố hiện có 5 xe ô tô chuyên dụng về kiểm nghiệm nhanh thực phẩm, khi đi kiểm tra một số quận huyện đã đề nghị phương tiện này hỗ trợ để test nhanh thực phẩm. Vì thế, TP cơ bản đã kiểm soát được bếp ăn tập thể ở trường học cũng như các khu công nghiệp.

Cũng theo bà Thu, năm qua, theo quy định, các trường phải ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm có đủ tư cách pháp nhân tuy nhiên trên thực tế, vẫn có một số đơn vị lấy thực phẩm tại cơ sở sản xuất của các cá nhân, chưa đảm bảo điều kiện an toàn. Bà Thu cũng cho rằng, cơ quan chức năng khuyến nghị, khi công ty cung ứng thực phẩm đã công khai nguồn gốc xuất xứ thực phẩm thì nhà trường, phụ huynh nên dành thời gian đi kiểm tra đột xuất nguồn gốc thực phẩm. Khi phát hiện vi phạm, lập tức cắt hợp đồng là giải pháp hay để quản lý nguyên liệu đầu vào.

Hiện nay, TP Hà Nội có 1.685 trường học tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh (chiếm 63%) dưới các hình thức: trường hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn; trường mua thực phẩm tự nấu tại trường với công suất 800.000 suất ăn/ ngày. Trong đó, 1.074 trường mầm non, 456 trường tiểu học, 126 trường THCS và 29 trường THPT.

MỚI - NÓNG