PMS khẳng định bản lĩnh trên công trường NMLD Dung Quất

Kỹ sư Vũ Quang Thượng kiểm tra các thiết bị làm mát bằng không khí
Kỹ sư Vũ Quang Thượng kiểm tra các thiết bị làm mát bằng không khí
TPO - Đợt bảo dưỡng tổng thể (TA3) NMLD Dung Quất đang đi đến những hạng mục cuối cùng. Nhiều đơn vị có màu cờ sắc áo dầu khí như Công ty CP Bảo dưỡng và Sửa chữa các công trình dầu khí (PMS), trực thuộc Tổng Công ty Sửa chữa - Bảo dưỡng công trình dầu khí Việt Nam (PVMR) đã khẳng định được năng lực và bản lĩnh trong hơn 1 tháng ở công trường nắng đỏ này.

Từ thiết bị trao đổi nhiệt…

Ông Trần Tấn Bản – Phó giám đốc PMS cho biết: Có lẽ PMS là nhà thầu phụ có quân số đông nhất trong TA3 với khoảng hơn 500 người ngày đêm trên công trường. PMS tham gia cả 5 gói thầu, đảm nhận từ những hạng mục đơn giản như lắp giàn giáo, bảo ôn, tháo lắp van, chèn các bích mù để cô lập thiết bị… đến các công việc đòi hỏi kỹ thuật cao như bảo dưỡng bể cầu, bảo dưỡng các thiết bị làm mát bằng không khí, bảo dưỡng các thiết bị quay quan trọng bằng công nghệ bắn đá khô CO2….

Ông Bản nở nụ cười rất tươi: Trong bối cảnh việc khôn, người khó, PMS nhận được đến 14 hạng mục lớn của 5 gói thầu này chứng tỏ năng lực của Công ty đã được BSR và tổng thầu các gói ghi nhận. PMS tự hào là đơn vị tiên phong trong ngành dầu khí trong việc ứng dụng các công nghệ bảo dưỡng kỹ thuật cao. Đơn cử như kỹ thuật làm sạch thiết bị bằng nước áp lực cao đã thực hiện thành công tại hàng loạt nhà máy như Lọc dầu Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ, Đạm Cà Mau, thậm chí cả… tàu quân sự. Như công nghệ bắn đá khô CO2 để vệ sinh các chi tiết cực kỳ quan trọng của các tua-bin hay máy nén, nơi mà một vết trầy xước nhỏ lại là chuyện lớn. Hay như công nghệ xử lý rò rỉ trực tuyến trên những đường đường ống hay thiết bị có áp suất đến hàng trăm kg/cm2… Đó là những ví dụ điển hình trong hàng loạt các công nghệ bảo dưỡng mà PMS đã ứng dụng thành công.

Trao đổi thực tế công trường, kỹ sư Vũ Quang Thượng, giám sát và đốc công chính của PMS tại phân xưởng chưng cất dầu thô ở áp suất khí quyển (CDU) hồ hởi: Đến hôm nay (5/7) công việc làm sạch 30 thiết bị làm mát bằng không khí đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, bàn giao cho BSR. Anh Thượng chỉ một ống trao đổi nhiệt và giải thích: chỉ việc làm vệ sinh bên trong và bên ngoài một cái ống nhỏ thế này cũng là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Trong khi bên trong ống phải dùng nước áp lực đến cả ngàn kg/cm2 để làm sạch thì bên ngoài để tránh làm hỏng các cánh tản nhiệt bằng nhôm mỏng manh phải dùng một loại hóa chất đặt biệt mua tận bên Mỹ hay Châu Âu, tạo bọt rưới lên, chờ cho ngấm rồi rửa lại bằng nước.

PMS khẳng định bản lĩnh trên công trường NMLD Dung Quất ảnh 1

Lắp dựng giàn giáo trên cao ở phân xưởng CDU

Ngoài ra, PMS còn bảo dưỡng chân ren của các nút bịt của các ống và đặc biệt kiểm tra tuổi thọ của ống bằng phương pháp không phá hủy. Các kỹ sư đưa một thiết bị vào bên trong các ống để từ trường sinh ra kiểm tra xem ống có bị nứt nẻ, đục dỗ gì không. Sau đó, tính toán thời gian còn bao lâu nữa mới phải thay thế hệ thống ống của thiết bị trao đổi nhiệt. Được biết, Công ty PMS huy động 40 công nhân, 2 kỹ sư giám sát an toàn và 2 kỹ sư giám sát kỹ thuật thực hiện hạng mục công việc này trong 3 tuần trời.

Kỹ sư Lê Xuân Trung, Phó Trưởng ban Bảo dưỡng sửa chữa, trưởng gói 4 của BSR nhận định: Nhà thầu có màu áo dầu khí như PMS đã thực hiện hàng chục hạng mục sửa chữa lớn nhỏ hàng ngày ở NMLD Dung Quất, vì vậy họ có kinh nghiệm trong việc hiểu biết quy trình an toàn, vận hành của Nhà máy. Khi thực hiện các hạng mục ở TA3, PMS luôn đảm bảo rất tốt các yếu tố an toàn công trường, tiến độ luôn bám sát kế hoạch và có nhiều sáng kiến.

…Đến bảo dưỡng các loại bể

Trong TA3, PMS còn thực hiện hạng mục bảo dưỡng hai bể cầu TK 5105 chứa butan/buten và TK-5101chứa propylen. Nhìn các bể cầu như những quả bóng khổng lồ, kỹ sư Trần Minh Hiền cho biết: Nếu như trước kia, muốn kiểm tra bên trong bể cầu như thế này phải lắp hàng chục tấn giàn giáo nên rủi ro rất lớn về an toàn, tốn nhiều thời gian và chi phí cao. Nay với phương pháp tận dụng nước bơm vào để đo barem, dùng xuồng cao su để kiểm tra các mối hàn bên trong thành bể an toàn hơn mà lại dễ dàng, giúp tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian thực hiện. Anh Hiền phấn khởi cho biết PMS đã hoàn thành công việc này trước tiến độ 07 ngày. Đây là phương pháp mới mà BSR là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam mạnh dạn ứng dụng.

PMS khẳng định bản lĩnh trên công trường NMLD Dung Quất ảnh 2

Thi công giàn giáo trong không gian hạn chế

Trước đợt TA3, PMS cũng đã cải hoán đường ống thoát nước mưa của bể chứa dầu thô TK-6001C theo một thiết kế tiên phong trên thế giới với chất lượng và tiến độ đảm bảo. PMS đứng ra làm tổng thầu, mua thiết bị từ nước ngoài, thuê một công ty ở Singapore thiết kế và công nhân kỹ sư PMS thi công dưới sự giám sát của chặt chẽ của các chuyên gia quốc tế. Đây thực sự là bước đi táo bạo của PMS, dám nghĩ, dám làm cả những công việc phức tạp trước kia chưa từng thực hiện.

Một trong những công việc quan trọng khác mà PMS đảm nhận trong TA3 là thực hiện các đầu chờ kỹ thuật trên các ống khói để lắp hệ thống quan trắc trực tuyến sau này. Kỹ sư Trương Thế Vinh –người phụ trách chính công việc này, vừa chỉ lên một công nhân PMS đang làm việc trên ngọn ống khói cao chót vót của phân xưởng chưng cất khí quyển vừa giải thích: PMS được giao việc này khi TA3 đã bắt đầu. Ngoài những việc cơ khí thông thường, phải sửa chữa bêtông chịu lửa đặc biệt mà vật tư phải mua tận bên Nhật vận chuyển bằng máy bay về, lại phải thuê chuyên gia từ Malaysia sang giám sát thi công, rồi phải dùng cần cẩu đến 250 tấn. Anh em “chạy phải vắt chân lên cổ” từ khâu mua sắm, chuẩn bị đến thi công, cuối cùng đã hoàn thành trước tiến độ 03 ngày.

Khát vọng vươn tầm cao

Khi dẫn chúng tôi đến xưởng sửa chữa nơi các thợ hàn PMS đang miệt mài gia công 10 đầu chờ cho TA3, Phó giám đốc -Trần Tấn Bản chia sẻ: Tuy quy mô khiêm tốn nhưng xưởng này đã Hiệp hội Kỹ sư Cơ khí Hoa Kỳ-ASME (The American Society of Mechanical Engineers) cấp chứng nhận chế tạo và sửa chữa thiết bị áp lực từ tháng 6/2016 qua một quá trình kiểm tra và sát hạch rất gắt gao. Chứng chỉ này chỉ một số ít xưởng cơ khí tại Việt Nam đạt được và được xem như “chứng chỉ hành nghề” để có thể sửa chữa và chế tạo các thiệt bị áp lực trong ngành Dầu khí.

Trăn trở làm sao PMS có thể trở thành một công ty bảo dưỡng sửa chữa hàng đầu trong ngành dầu khí, có thể đảm nhận các công việc bảo dưỡng phức tạp thay thế nhà thầu nước ngoài  hiện nay và tiếp đến vươn ra tầm khu vực, ông Bản thành thật: “Tôi mong lần TA tiếp theo tại BSR cũng như các nhà máy khác của PVN không thấy bóng dáng các nhà thầu nước ngoài. Để được như vậy, các đơn vị dịch vụ và các nhà máy trong ngành cần ngồi với nhau, đặt cái chung lên trên hết, phải một định hướng định hướng rõ ràng, một kế hoạch khả thi và quan trọng nhất là một quyết tâm xuyên suốt từ trên xuống dưới”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.