TPO - Kỳ nghỉ Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khá dài, chúng tôi quyết định du xuân sớm đến vùng đất Cao Bằng và thật thoả mãn với hành trình mà mình đã chọn. Một Cao Bằng lạ và ấn tượng.
Bất ngờ với những sự tương đồng
Vượt qua gần 300 km đường với vô số những đèo dốc, chúng tôi đến Cao Bằng vào chập tối ngày 27 Tết. Lần đầu tiên đến thành phố này, đi dọc các dãy phố khu trung tâm, người dân ở đây gọi là phố cũ mà tôi cứ có cảm giác quen quen. Phố xá có kiến trúc rành mạch. Nhiều người ra đường vào buổi tối. Nam thanh nữ tú ngồi kín các quán cafe chuyện trò râm ran.
Hàng ngô khoai nướng đêm bên bờ sông Bằng. Thời tiết về đêm se lạnh. Sà vào một hàng ngô khoai nướng bên bờ sông Bằng. Chị bán hàng có mái tóc đẹp nhưng lúc nào cũng đội một chiếc mũ phớt, trông có vẻ “anh chị” nhưng lại rất xởi lởi chuyện trò. Tôi hỏi chị thường bán đến mấy giờ? “Hai mươi sáu giờ. Hehe. Thanh niên ở đây đi chơi suốt đêm. Không có sức mà bán em ạ. Mỗi ngày chị chỉ bán khoảng 250 bắp ngô thôi!”, chị chia sẻ. Tôi chợt nhận ra cái cảm giác quen quen khi dạo phố ở Cao Bằng là có hơi hướm giống Sài Gòn. Trong lúc ăn ngô nướng, chúng tôi thắc mắc tiếng karaoke triền miên vọng ra từ căn nhà khá bề thế mặc dù lúc đó đã hơn 10 giờ đêm, chị bán hàng bảo “Ở đây có nhiều người phải hát liên tục để… tiêu cơm. Sáng ăn xong – hát để ăn cơm buổi trưa; Trưa ăn xong – hát để tiêu cơm buổi chiều ăn cho ngon. Ăn xong tối hát để đêm ngủ cho say…”. “Nghe liên tục mà mọi người không thấy ngán à?”. “Không. Việc hát là của người ta mà”. Có vẻ như người Cao Bằng không thích nấu nướng. Bất cứ buổi nào cũng thấy các hàng ăn từ vỉa hè cho tới nhà hàng đều đông đúc khách hàng. Toàn các nhóm khách gia đình. Khách sạn chúng tôi tá túc nằm ở phố Kim Đồng. Đối diện là quán bánh cuốn Tâm khá nổi tiếng. Muốn ăn phải xếp hàng. Không có ngoại lệ. Buổi sáng 28 Tết, đoàn chúng tôi sang ăn ở đây. Có một người đàn ông trông nhìn khá thần thái cũng ngồi chờ tới lượt để được phục vụ. Lát sau, nghe bà chủ bánh cuốn giới thiệu mới biết người đó là ông Chủ tịch tỉnh Cao Bằng thường ăn sáng tại đây.
Bà chủ quán bánh cuốn Tâm nổi tiếng ở thành phố Cao Bằng Sáng 29 tết, hàng phở Uyên ngay bên hông chợ Trung tâm của thành phố nằm ở phường Hợp Giang, chả có vẻ gì là sắp tết. Khách hàng cứ nườm nượp. Bà chủ cho biết quán của bà phục vụ đến tận 17h30 ngày 30 Tết. Không riêng hàng phở Uyên, hầu hết các quán ăn ở thành phố này đều không nghỉ trước ngày 30 tết. Năm nào cũng vậy. Nên các bạn muốn tới thành phố này vào dịp Tết cũng đừng lo không kiếm được hàng ăn. Những điều này làm tôi nhớ đến nữ đồng nghiệp người Cao Bằng. Chúng tôi làm việc cùng nhau mười mấy năm ai cũng mến bởi tính cách phóng khoáng, cởi mở, không bao giờ soi mói hay buôn chuyện của người khác, luôn sống hồn nhiên và tận hưởng cuộc sống. Khi tôi mở một quán ăn nhỏ, cô ấy nói chuyện “Em không thích nấu nướng. Toàn ra ngoài ăn”. Từ đó tôi hay nhận được tin nhắn gọi đồ quán nhà tôi để hai mẹ con ăn trưa. Đặc biệt là vào các ngày cuối tuần. Trước đây tôi cũng không để ý bởi cho đó là sở thích của mỗi người. Nhưng chuyến đi Cao Bằng lần này, gặp gỡ và quan sát con người nơi đây mới thấy “sở thích” đó có gốc rễ từ cả một cộng đồng. Người Cao Bằng có vẻ khá dễ nết trong ẩm thực. Ở Hà Nội, ăn phở bò thì nước dùng phải ninh từ xương bò; phở gà thì phải chế biến từ gà nhưng ở đây hầm bà lằng các loại phở nào là phở vịt, phở xá xíu, phở lạp xường, phở gà, phở bò… nhưng nước dùng chỉ dùng một loại. Sôi sùng sục. Cứ phở là chan không phân biệt. Đến Cao Bằng cận Tết, chợ Hoa Xuân đã mở rất hoành tráng dọc con phố trung tâm Hoàng Đình Giong. Hoa đào, hoa ly đặc biệt là quất cảnh từ Văn Giang (Hưng Yên) xếp dọc đường nhưng ít thấy người hỏi mua. Tôi đem thắc mắc hỏi anh chủ khách sạn thì được trả lời “Vội gì. Ở đây 30 Tết nhà cửa đã dọn xong, đã dành được một chỗ đẹp để trưng thì mới rinh cây về”. Thảo nào, những người bán hoa cây cảnh Tết không chỉ ở thành phố mà ở các huyện mà chúng tôi ghé qua đều rất thảnh thơi không có vẻ gì sốt ruột. Khác hẳn với các chợ hoa dưới xuôi. Đến ngày 30 mà vẫn còn cây là coi như mất Tết. Mặt cứ méo xẹo.
Quất cảnh từ Văn Giang (Hưng Yên) chở lên xếp dọc đường Hoàng Đình Giong. Sau khi rõ ràng cảm nhận của mình, tôi nói đùa với mấy người bạn đồng hành “Tôi nghi người Sài Gòn có quê gốc ở Cao Bằng các ông các bà ạ!”. Điều này thì không đùa, có vẻ như vẫn chưa có một nghiên cứu nghiêm túc nào về sự tương đồng về tính cách, văn hoá này của hai vùng đất cách xa nhau hàng ngàn km. Một vùng đất sạch
Thành phố Cao Bằng khá sạch. Ít nhìn thấy rác trên đường phố. Ở ngoại ô cũng vậy. Trên quốc lộ số 3 liên tục đèo dốc cao nối nhau, cực kỳ vắng người nhưng lạ là hai bên đường cũng rất sạch sẽ. Không có túi ni lon, chai nhựa. Những thứ rác công nghiệp này thỉnh thoảng hiện diện ở các chỗ dừng xe trên đỉnh đèo. Đích thị là khách dừng chân vứt lại.
Tôi từng có cơ hội đi xuyên những tuyến đường rừng trên đảo Hokkaido của Nhật Bản. Sự sạch sẽ của nơi này làm tôi ấn tượng và ao ước về những con đường của Việt Nam. Cảm giác này bất chợt ùa đến khi chạy xe trên con đèo Tài Hồ Sìn trước khi vào thành phố Cao Bằng và càng rõ rệt lúc hành trình trở về ánh nắng mùa đông hiếm hoi tràn ngập cả con đèo làm rực lên màu xanh mỡ màng của rừng cây và sự sạch sẽ của môi trường đường đèo. Đèo Tài Hồ Sìn nằm trên Quốc lộ 3 ở huyện Hoà An tỉnh Cao Bằng, ở độ cao 1000m so với mặt nước biển có không khí mát mẻ quanh năm.
Đường đèo qua huyện Quảng Uyên Cái sự sạch sẽ là ấn tượng với chúng tôi dọc hành trình sấp xỉ 100 km trên con đường quanh co đèo cao vực sâu lên Thác Bản Giốc ở biên giới Việt – Trung. Vệ đường không có rác. Sông suối không có rác. Mùa này tất cả các dòng sông ở Cao Bằng đều trong vắt, nước có màu xanh ngọc lục bảo. Thế mà khi tôi đưa trên facebook cá nhân tấm ảnh chụp bên dòng sông Bằng buổi sáng, liền nhận được comment của cô bạn đồng nghiệp nói trên “Dòng sông đang chết. Ngày xưa đẹp kinh khủng anh ạ. Tại đào vàng và khâu quản lý rác thải không tốt. Dòng sông này là kí ức tuổi thơ đẹp đẽ của em. Từng đi phà, đi bè qua sông, tắm trộm ở sông. Nước mênh mang và xanh biếc. Bây giờ cạn hết nước rồi. Sông Bằng cũng là một trong những con sông từ Việt Nam chảy sang Trung Quốc”.
Trong khi đó, trở về Hà Nội, con gái tôi chia sẻ “Cao Bằng thích thật, con đi cả ngày mà bông tẩy trang vẫn trắng phau. Chứng tỏ ở đây rất ít bụi bố ạ. Chả bù cho Hà Nội, chỉ ở trong nhà mà bông cứ đen như than!”.
Thác Bản Giốc có làn nước màu xanh ngọc, không một cọng rác. Dòng Nậm Trá nước trong vắt nhìn thấu đáy Chúng tôi phải rời Cao Bằng sau thời gian ngắn tới đây để kịp về đón giao thừa cùng gia đình với bao tiếc nuối chưa khám phá được nhiều những bí ẩn nơi đây. Trên hành trình trở về, mọi người đều nói sẽ quay lại nhiều lần nữa bởi mong muốn được cảm nhận nhiều hơn về con người và mảnh đất này.