Phương tiện công cộng không được sử dụng, vì sao?

Tài xế xe buýt luôn phải căng thẳng vượt qua những cung đường chật chội
Tài xế xe buýt luôn phải căng thẳng vượt qua những cung đường chật chội
TP - Dù đặt mục tiêu xe buýt trở thành phương tiện công cộng số 1, để tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân nhưng hoạt động buýt ở TPHCM ngày càng èo uột, hành khách dần rời xa khi hàng loạt tuyến xe bị đóng cửa, tài xế ứng xử thiếu văn hóa, coi thường pháp luật khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Phun nước miếng, đánh người như giang hồ

Những ngày qua, dư luận bức xúc vì tài xế xe buýt ở TPHCM liên tục ép xe máy, bấm còi inh hỏi rồi phun nước miếng, đưa tay làm ký hiệu thiếu văn hóa… Họ càng thấy “choáng” hơn khi chứng kiến một tài xế khác cầm hung khí đâm người đi đường sau khi cãi vã do va chạm giao thông.

Ngày 20/9, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một tài xế xe buýt số 150 chạy tuyến bến xe Chợ Lớn - Ngã ba Tân Vạn thuộc Hợp tác xã Vận tải (HTX) 19/5, lưu thông qua giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Phạm Ngọc Thạch (quận 1, TPHCM), liên tục bóp còi, ép xe máy. Một số người dân chạy xe máy bức xúc vượt lên nhắc nhở thì tài xế này tiếp tục bấm còi inh ỏi, phun nước miếng, đưa tay ra ký hiệu thiếu văn hoá thách thức người đi đường.

Đoạn clip lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, khiến dân mạng bức xúc vì hành vi của tài xế. Chỉ sau đó ít ngày, tài xế này bị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM (TTQLGT) đuổi việc và không tiếp nhận lại trên toàn hệ thống xe buýt ở TPHCM. TTQLGT xác định tài xế này vi phạm các quy định của ngành như lạm dụng quyền ưu tiên lưu thông vào làn đường xe 2-3 bánh, bấm còi liên tục làm ảnh hưởng đến người đi đường.

Sáng 8/10, một tài xế xe buýt tuyến số 150 (HTX 19/5) gây sốc cho dân khi cầm hung khí đâm vào thanh niên chạy xe ôm công nghệ ngay tại cổng bến xe Chợ Lớn, khiến người này bị thương nặng. Thời điểm xảy ra vụ việc khoảng 10h sáng, chiếc xe buýt mang biển số 51B - 217.71, chạy tuyến bến xe Chợ Lớn (quận 6, TPHCM) đi ngã ba Tân Vạn. Vụ việc xảy ra giữa đường, tài xế xe buýt đã dùng hung khí tấn công khiến thanh niên bị thương, mất nhiều máu.

Tài xế này bị công an khống chế ngay sau đó, đơn vị quản lý xe buýt cũng đình chỉ công tác tài xế này để đợi kết quả điều tra của công an. Làm việc với công an, tài xế này khai: Sau khi xảy ra cự cãi trên đường thì bị người chạy xe ôm công nghệ thách thức, chặn đầu xe buýt không cho đi. Tài xế xe buýt thủ con dao sau lưng, xuống “nói chuyện”...

Không chỉ ứng xử thiếu văn minh, hành hung người đi đường sau va chạm giao thông, nhiều tài xế xe buýt còn lái xe tạt đầu phương tiện khác, vượt đèn đỏ, phóng nhanh dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiến người dân phải gọi xe buýt là “hung thần” đường phố.

Áp lực đủ đường

Thừa nhận những hành vi, ứng xử của một số tài xế xe buýt là thiếu văn minh, chưa đúng mực nhưng nhiều tài xế cho rằng, công việc của tài xế xe buýt hiện nay đang chịu áp lực đủ đường, từ kẹt xe, đối mặt nguy hiểm, gặp người thích gây sự…

Có thâm niên gần 20 năm lái xe buýt và xem chiếc xe như ngôi nhà thứ 2 của mình nhưng ông Hai, chủ một chiếc xe buýt thuộc tuyến số 88 (HTX Vận tải và Dịch vụ Đông Nam, TPHCM) phải bán đi chiếc xe của mình, vì không chịu nổi áp lực công việc. Ông Hai cho biết, ông vừa là chủ xe vừa kiêm luôn tài xế nên ngoài việc lái xe hằng ngày, ông còn phải tính toán lời lỗ, tiền công tiếp viên, hao mòn xe… Hằng ngày, công việc của ông bắt đầu từ 3h sáng, kéo dài đến 7-8h đêm mới được nghỉ. Có hôm kẹt xe hay thiếu tài xế, ông Hai phải tăng ca đến gần 9h đêm.

Vừa là chủ xe vừa lái xe nhưng càng làm càng lỗ, và bị HTX thiếu nợ. Nhiều lần đâm đơn lên cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết, ông Hai quyết định bán xe, bỏ nghề.

Cũng như ông Hai, ông Sáu Ngời (tài xế xe buýt số 88) cho hay, tài xế xe buýt hiện nay, mỗi ngày một tài xế phải chạy 10 chuyến, thời gian mỗi chuyến khoảng 80 phút, thời gian nghỉ giữa hai chuyến khoảng 8-10 phút. Việc phải chạy xe liên tục từ sáng đến tối khiến ông luôn trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ. Áp lực về thời gian trả chuyến cũng là nỗi ám ảnh với tài xế, vì nếu về trễ thì sẽ bị huỷ chuyến, lập biên bản xử phạt.

Ông Sáu cho hay, chuyến đầu tiên xuất phát lúc 4h30 sáng nhưng tài xế phải dậy từ 3h sáng để chuẩn bị. Ngày chạy 10 chuyến, một tháng phải làm ít nhất 25 ngày, nếu thiếu tài xế, ông phải làm tăng ca, còn vài ngày nghỉ thì phải mang xe đi sửa, bảo trì... 

Thời gian nghỉ ngơi rất hẹp lại phải đối mặt với tai nạn khi qua những đoạn đường kẹt xe, chưa kể xe máy tạt đầu, hành khách say xỉn lên xe quậy phá nên nhiều khi tài xế bức xúc không kìm chế được.

Theo TTQLGT, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã đình chỉ công việc đối với 25 tài xế, tiếp viên với các lỗi chủ yếu như ứng xử thiếu văn minh, sử dụng điện thoại, hút thuốc khi đang lái xe, hoạt động không đúng lộ trình quy định…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.