Vụ “Tiền hậu bất nhất, doanh nghiệp kêu trời” ở Thanh Hoá:

Phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa từ chối trả lời nhiều nội dung

0:00 / 0:00
0:00
TP - Làm việc với phóng viên báo Tiền Phong ngày 22/12, lãnh đạo phường Hàm Rồng và phía đại diện TP Thanh Hoá đều từ chối trả lời về những bất thường, mâu thuẫn từ nhiều quyết định của các cấp ở Thanh Hoá trong vụ việc “Tiền hậu bất nhất, doanh nghiệp kêu trời” (Đã đăng trên Tiền Phong số ra ngày 21/12/2021)

Cụ thể, cùng ngày 22/12, phóng viên Tiền Phong có 2 cuộc làm việc riêng rẽ với đại diện UBND phường Hàm Rồng là bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch UBND phường và phía UBND TP Thanh Hoá là ông Hoàng Cao Thắng, Phó phòng Văn hoá Thông tin (theo uỷ quyền của lãnh đạo TP Thanh Hoá) cùng về một nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư của Cty Kim Quy.

Trong 2 cuộc làm việc trên, phóng viên nêu các câu hỏi: Vì sao các kết luận thanh tra trước đây, TP Thanh Hoá đều khẳng định là hợp đồng giữa phường và doanh nghiệp là phù hợp, bây giờ lại khẳng định không phù hợp? Vì sao theo quy định, phía doanh nghiệp (đơn vị đã đầu tư 100% vốn tự có vào dự án) được quyền quản lý, khai thác di tích nhưng thành phố lại khẳng định là không có cơ sở?

Phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa từ chối trả lời nhiều nội dung ảnh 1

Phía bên ngoài khu di tích Động Tiên Sơn được doanh nghiệp đầu tư trồng hoa

Phóng viên cũng đặt câu hỏi vì sao theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá trong vụ việc này là “cần lựa chọn phương án tối ưu theo nguyên tắc không làm phát sinh việc khiếu kiện mới…” nhưng lãnh đạo phường Hàm Rồng lại mong muốn phía công ty kiện chính quyền ra toà?

Tuy nhiên, tất cả những nội dung trên đều bị đại diện UBND phường cũng như UBND TP Thanh Hoá từ chối trả lời.

Chỉ duy nhất nội dung phường Hàm Rồng đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có phương án bồi thường được bà Lê Thị Thanh trả lời là “thực hiện theo kết luận của thành phố”.

Trước đó, báo Tiền Phong có bài “Tiền hậu bất nhất, doanh nghiệp kêu trời” phản ánh: Sau khi tỉnh Thanh Hoá kêu gọi đầu tư, Cty Cổ phần Du lịch Kim Quy (Cty Kim Quy) đã thực hiện đầu tư vào dự án Khu di tích Động Tiên Sơn theo quy định. Tuy nhiên, khi dự án vừa đưa vào khai thác thì bất ngờ phường Hàm Rồng đơn phương chấm dứt hợp đồng , đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.

Nhận định về vụ việc này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, những vướng mắc giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương nếu không được giải quyết dựa trên việc bảo đảm sự ổn định phát triển lâu dài của doanh nghiệp như cách làm trong trường hợp này có thể sẽ tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Thanh Hoá.

“Việc giải quyết vấn đề của UBND phường Hàm Rồng là chưa thấu tình đạt lý. Trong khi không có khả năng đền bù cho doanh nghiệp thì lại yêu cầu doanh nghiệp phải giao tài sản cho phường quản lý. Dự án đã được Sở TN&MT Thanh Hoá khẳng định doanh nghiệp đầu tư xây dựng đúng mặt bằng quy hoạch được duyệt, đưa vào sử dụng từ năm 2016 thì nên tiếp tục giao cho doanh nghiệp quản lý, khai thác”- Luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

MỚI - NÓNG