Phục hồi, phát triển kinh tế: Ưu tiên chuyển đổi số, mở cửa biên giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ðể phục hồi và phát triển nền kinh tế Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp (DN) kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện thủ tục hành chính điện tử, nhằm giảm lãng phí. Nhiều DN cho rằng, Việt Nam cần sớm mở cửa biên giới một cách an toàn để tránh bị tụt hậu.

Ðẩy mạnh thủ tục điện tử

Ngày 21/2, Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính Quốc tế và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức phiên họp cấp cao Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2022 với chủ đề “Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”. Tại đây, cộng đồng DN tập trung hiến kế giúp Chính phủ thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế.

Phục hồi, phát triển kinh tế: Ưu tiên chuyển đổi số, mở cửa biên giới ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe ý kiến DN hiến kế để phục hồi kinh tế. Ảnh: Nhật Bắc

Theo ông Inoue Soichi, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), để khôi phục và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới, hỗ trợ của Chính phủ với DN để cải thiện tình hình tài chính và dòng tiền vẫn là quan trọng nhất. JCCI kiến nghị Chính phủ quản lý linh hoạt khoản cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tài chính trong nước, cho vay lãi suất thấp, miễn thuế DN, trợ cấp ngành dịch vụ và công ty khởi nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tinh giản thủ tục giấy tờ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng như cơ quan thuế và hải quan trên toàn quốc.

Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) kiến nghị thúc đẩy Chính phủ điện tử để cung cấp dịch vụ hiệu quả nhanh cho người dân, chấm dứt lãng phí hành chính và tạo ra các dịch vụ có hiệu lực, hiệu quả nhanh cho người dân.

Cùng quan điểm, thành viên liên kết của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (gồm các Hiệp hội doanh nghiệp Singapore, Úc, Thụy Sĩ, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Hồng Kông, Canada và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội) kiến nghị, Chính phủ nên tập trung vào thúc đẩy nền kinh tế số, thành phố thông minh và Cách mạng công nghiệp 4.0. Đại diện hiệp hội kiến nghị, với thủ tục và ứng dụng của Chính phủ, cần tăng cường sử dụng các cổng web và nộp tài liệu trực tuyến, chấp nhận và công nhận chữ ký điện tử, sử dụng thư điện tử giữa các cơ quan chức năng (bao gồm cả công văn chính thức) và giảm bớt việc nộp các tài liệu giấy.

Bà Hà Nguyễn, đồng Trưởng Nhóm Công tác Kinh tế số VBF đánh giá, công nghệ số là chìa khoá cho tăng trưởng. Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh ứng dụng công nghệ và sự cần thiết của dịch vụ dữ liệu hơn bao giờ hết.

“Chiến lược quan trọng nhất mà Chính phủ có thể áp dụng để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội là tiên phong chuyển đổi số và khuyến khích quá trình chuyển đổi. Ngoài những nỗ lực trong ngắn hạn, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam quan tâm tới những lợi ích lâu dài của chuyển đổi số và hỗ trợ tối đa cho những bước tiến sắp tới”, bà Hà kiến nghị.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp; thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.

Thủ tướng cũng nêu rõ, Việt Nam đã không bỏ lỡ mà bắt kịp và tích cực tham gia vào xu thế lớn trên thế giới như: thích ứng an toàn; xu thế mở cửa; xu thế phục hồi, phát triển; xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Thời gian tới, Việt Nam tập trung giải pháp nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, ổn định nguồn nhiên liệu. Chính phủ Việt Nam tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp thông minh.

Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ giao bộ, ngành, đơn vị liên quan tổng hợp các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, khẩn trương có phản hồi.

“Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nguy cơ tụt hậu nếu không mở cửa biên giới

Một trong những cảnh báo đáng chú ý mà hiệp hội DN nêu ra tại diễn đàn là nguy cơ tụt hậu nếu Việt Nam không mở cửa biên giới. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc (BritCham), Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm và hành động của nước khác để tối đa hóa hiệu quả và tốc độ phục hồi. Đồng thời đảm bảo đất nước không bị tụt hậu khi mở cửa lại nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Việc hạn chế, loại bỏ yêu cầu kiểm dịch, nối lại điều kiện nhập cảnh trước đại dịch sẽ hỗ trợ không chỉ giúp doanh nhân quốc tế mà còn giúp DN Việt phát triển.

“Một trong những yếu tố quan trọng của sự phục hồi này sẽ là việc mở lại biên giới cùng với một bộ các quy tắc, quy định nhập cảnh quốc gia, cho phép doanh nhân, khách du lịch quay trở lại một cách an toàn”, đại diện BritCham kiến nghị.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) cũng bày tỏ hy vọng thủ tục nhập cảnh cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ thực hiện nhanh gọn hơn. AmCham ủng hộ việc mở cửa lại biên giới cho khách du lịch nước ngoài vào cuối tháng 3 hoặc sau đó càng sớm càng tốt và công bố lộ trình mở cửa hoàn toàn ngành du lịch.

MỚI - NÓNG