Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế

Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế
Dòng sông Hương chảy trong lòng thành phố Huế hơn 100 năm đã soi bóng một cây cầu. Trải qua thăng trầm lịch sử, cho dù bây giờ và mai sau ở đất cố đô đã và sẽ có nhiều công trình bắc qua dòng sông này, nhưng đó là biểu tượng không thể thay thế với tên gọi: cầu Trường Tiền.

Cũng như cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, cầu Trường Tiền là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương ở Huế, ngay sát kinh thành.

Đây cũng là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây với kết cấu thép. Trước đó những cây cầu được xây dựng đều là công trình ngắn, bằng vật liệu tre, gỗ… không bền vững.

Thủa ban đầu, tên chính thức của cây cầu thép bắc qua sông Hương là Thành Thái, rồi Clémenceau, Nguyễn Hoàng... Nhưng vì ngày trước đối diện phía tả ngạn của cầu có một xưởng đúc tiền của Triều Nguyễn, nên người dân nơi đây quen gọi là cầu Trường Tiền.

Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế ảnh 1 Sông Hương lúc sương mù sáng sớm . Ảnh: Nguyễn Lợi.

Sáu vài mười hai nhịp

Mùa thu năm 1896, vua Thành Thái ban chỉ dụ xây dựng cầu sắt và nhấn mạnh: "Chính trị nhân đức không gì quan trọng bằng gia ơn cho dân. Gần đây, phàm tiến hành làm các cầu đường là để tiện cho dân vậy. Nay theo lời Cơ Mật viện tâu nói phía trước sông Hương là quan lộ, nghĩ nên làm một chiếc cầu sắt để tiện thông hành, duy vì phí tổn rất lớn nên còn phải chờ tính toán trù biện”.

Theo nhà văn Bửu Ý (80 tuổi, phường Phú Hội, TP Huế), lúc bấy giờ việc xây cầu qua sông Hương không dễ dàng vì đây vốn là dòng sông duyên dáng, tình tứ.

"Điều kiện thi công thời đó chưa được như bây giờ. Huế đứng trước một thử thách là làm sao có cây cầu bắc qua sông, tạo thuận lợi cho người dân qua lại nhưng cần hết sức tránh xây một công trình quá thô ráp sẽ làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên", nhà văn nói.

Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế ảnh 2

Sông Hương lúc sương mù sáng sớm . Ảnh: Nguyễn Lợi.

Một năm sau khi vua Thành Thái ban chỉ dụ xây dựng cầu sắt, tháng 4/1897, Toàn quyền Đông Dương Doumer đến Huế và bàn bạc với triều đình tập trung đầu tư để có công trình bền vững lâu dài.

Nhà vua sai bộ Hộ trích giao 190.000 đồng, số còn thiếu do phía Pháp giúp đỡ. Việc thi công cầu được giao cho hãng Eiffel.

Khi cầu Trường Tiền bắt đầu được xây dựng, vua Thành Thái là người đặt viên đá đầu tiên. Sau hai năm, cây cầu gồm 6 nhịp dầm bằng thép hình chiếc lược ngà (bán nguyệt), nền lát gỗ lim được hoàn thành.

Người dân xứ Huế quen với câu ca “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp…”, nhưng chính xác cầu có sáu nhịp và 12 vài kết với nhau thành 6 cặp. Cầu có chiều dài khoảng hơn 400 mét tính từ hai mố, nếu tính cả đường dẫn thì độ dài của Trường Tiền khoảng 453 mét, lòng cầu rộng sáu mét. Lúc mới xây dựng, cầu chưa có phần lề dành cho người đi bộ.

"Có thể nói Nhà thầu Eiffel của Pháp đã bỏ nhiều công sức trong việc thiết kế và thi công cầu Trường Tiền. Hình dáng cây cầu với màu nhũ bạc của buổi đầu xây dựng đã tô điểm thêm vẻ đẹp của dòng Hương", nhà văn Bửu Ý nhận xét.

Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế ảnh 3 Cầu Trường Tiền xưa được đặt tên Clemenceau. Ảnh tư liệu

Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế ảnh 4

Ba lần người Huế nhìn cầu đổ sập

Kể từ khi Trường Tiền hoàn thành vào năm 1899, người dân xứ Huế đã ba lần chứng kiến cây cầu này đổ sập xuống dòng sông Hương.

"Đây có lẽ là cây cầu nhiều lần gãy nhịp và được dựng lại nhất ở Việt Nam", nhà văn Bửu Ý nói.

Khi mới hoàn thành, là một cây cầu thép vững chắc với kết cấu và kỹ thuật xây dựng văn minh của phương Tây - cầu Trường Tiền khiến cho chính quyền và nhà thầu hết sức tự hào.

Không ngờ chỉ sau 5 năm (năm Nhâm Thìn - 1904), cơn bão lịch sử đã xô đổ cây cầu thép; cầu có 6 vài thì 4 bị hất đổ xuống lòng sông. Năm 1906, cầu được tu sửa lại và mặt cầu đổ bê tông thay vì lót gỗ lim như trước.

Đến năm 1937, dưới thời vua Bảo Đại, chính quyền tu sửa cầu Trường Tiền với quy mô lớn, đặc biệt là xây dựng thêm hành lang phía ngoài cho người đi bộ, đi xe đạp và 10 vị trí bao lơn ngắm cảnh.

Ngày 19/12/1946, theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến của ta, cầu Trường Tiền bị giật sập để chặn bước quân Pháp. Lúc 2 giờ sáng, một tiếng nổ lộng óc làm rung chuyển cả thành phố. Chiếc vài cầu Trường Tiền tại vị trí nổ bị nâng lên cao, sau đó sập xuống, lệch với nhịp tiếp giáp đến 3 mét. Cuộc kháng chiến ở Cố đô Huế đã mở màn như vậy.

Mãi đến năm 1953, việc tái thiết nguyên dạng cầu mới được thực hiện.

13 năm sau, mùa xuân Mậu Thân, cầu Trường Tiền một lần nữa bị giật sập trong chiến tranh. Đêm 7/2/1968, một tấn thuốc bom đã làm sập nhịp cầu số 4, phá hủy hoàn toàn trụ cầu thứ 3. Sau đó, một chiếc cầu phao lát gỗ theo kiểu dã chiến được dựng lên tại vài cầu số 3 và số 4.

Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế ảnh 5

Cây cầu của thi ca

Trải qua những thăng trầm lịch sử, với vẻ duyên dáng của mình, cầu Trường Tiền và dòng sông Hương thơ mộng trở thành cảm hứng vô tận cho giới văn nghệ sĩ.

Theo nhà văn Bửu Ý, đã là người dân xứ Huế thì ai nấy đều thuộc lòng mấy câu ca:

Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp

Em theo không kịp, tội lắm anh ơi!

Bấy lâu mang tiếng chịu lời

Anh có xa em đi nữa, cũng tại ông Trời nên xa

Năm 1905, chiếc cầu được đúc lại bằng bê tông cốt thép, nên có câu:

Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại

Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moong

Ơi người lỡ hội chồng con

Về đây gá nghĩa vuông tròn nước non...

Năm 1941, trong thời gian lưu lạc tới xứ Huế, thi sỹ Nguyễn Bính đã ví nét cong cong của nhịp cầu cùng màu sơn nhũ bạc (nguyên bản) như hình ảnh của chiếc lược ngà:

“…Cầu cong như chiếc lược ngà

Sông dài mái tóc cung nga buông hờ…”

Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế ảnh 6

Cầu Trường Tiền soi bóng sông Hương về đêm. Ảnh: Nguyễn Lợi.

Tháng 8/1896: Vua Thành Thái ra sắc dụ xây dựng cầu sắt bắc qua sông Hương.

Năm 1897: Cầu Trường Tiền được khởi công xây dựng.

1899-1919: Cầu mang tên cầu Thành Thái.

1919-3/1945: Cầu được đặt tên Clémenceau, tên vị thủ tướng Pháp lúc bấy giờ.

Năm 1945: Chính quyền Trần Trọng Kim đổi tên cầu Clémenceau thành cầu Nguyễn Hoàng, vị tiên chúa có công khai phá vùng đất Thuận Hóa.

Trước năm 1975: Tên cầu Trường Tiền được người Huế quen gọi trong dân gian. Sau năm 1975, cầu chính thức mang tên là Trường Tiền.

Năm 1995 đến nay: Sau khi hoàn thành trùng tu cầu, đơn vị thi công đã tự ý thay đổi tên cầu Trường Tiền thành cầu Tràng Tiền và gắn bảng tên cầu Tràng Tiên ngay phía đầu cầu. Sau này, chính quyền sở tại đặt lại tên cầu là Trường Tiền.

Tuy nhiên, cái tên cầu Trường Tiền và Tràng Tiền đã song hành với nhau từ đó cho đến nay.

Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế ảnh 7 Cầu Trường Tiền khi còn mang tên là cầu Thành Thái. Ảnh tư liệu.

Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế ảnh 8

Phục dựng vẻ đẹp xưa của Trường Tiền

Ông Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế, là người có nhiều kỷ niệm và trăn trở với cầu Trường Tiền.

Theo ông, Trường Tiền đi vào trong lòng người Huế sâu sắc nhất là hình dáng cây cầu vào thời vua Bảo Đại, với 10 cái ban công ngắm cảnh và hành lang đi bộ cho người đi xe đạp, đi bộ.

10 ban công là nơi người và phương tiện có thể tránh nhau. Những người gánh hàng rong qua cầu, lúc mệt cũng ghé chân vào. Và một trong hình ảnh đẹp nhất của cầu Trường Tiền là những thiếu nữ với tà áo dài đi qua cầu, dừng lại ở ban công ngắm cảnh sông Hương.

"Chính 10 cái ban công và hình dáng cây cầu dầm thép hình lược ngà là một nét nghệ thuật tạo nên sự duyên dáng cho cầu Trường Tiền", ông Hoa nói.

Ông cho hay, sau cuộc đại trùng tu năm 1995, cầu Trường Tiền không còn 10 ban công và màu nhũ bạc thay bằng màu trắng đục, lòng cầu thu hẹp; thậm chí cầu bị gắn bảng nhầm tên thành Tràng Tiền khiến nhiều nhà văn hóa xứ Huế lúc bấy giờ rất buồn phiền.

Sau này, ông Hoa cùng với nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã đề nghị đơn vị quản lý cầu phục hồi 10 ban công, sơn lại màu cầu thủa ban đầu.

Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế ảnh 9

Mãi đến tháng 8/2017, nghĩa là hơn 20 năm sau khi diễn ra cuộc đại trùng tu kể trên, Cục quản lý đường bộ 2 (Bộ Giao thông) trên cơ sở tham vấn của các nhà văn hóa Huế mới sửa chữa và phục hồi lại các hạng mục của cầu Trường Tiền trước đây.

Đặc biệt là đơn vị thi công sẽ bổ sung lại hệ thống lan can gồm 10 ban công cho người đi bộ dừng chân, ngắm cảnh - mỗi vọng cảnh có chiều dài 7 m, và rộng 1,25 m.

Các ban công sẽ được xây dựng theo hình nửa lục giác hai bên các trụ cầu, nhô ra sông theo mẫu bao lơn cầu Trường Tiền thời vua Bảo Đại.

“Sau khi Công ty cầu 1 Thăng Long tiến hành đại trùng tu cầu vào năm 1991-1995, phía đầu cầu được gắn tên là Tràng Tiền. Đợt này, sau khi tiến hành khôi phục, sửa chữa xong, đơn vị sẽ lấy lại tên gốc cho cây cầu là Trường Tiền”, ông Đặng Nguyễn Ngọc Linh - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.6 (Cục quản lý đường bộ 2, Bộ Giao thông) cho biết.

Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế ảnh 10

Sau 20 năm, cầu Trường Tiền mới làm lại ban công ngắm cảnh. Ảnh: Võ Thạnh.

Hiện sau hơn hai tháng sửa chữa, đơn vị thi công dần hoàn thành các công đoạn cuối của việc xây dựng 10 ban công ngắm cảnh. Hành lang đi bộ cũng được các công nhân khoan bê tông, lát gạch.

"Nhiều người dân Huế đi qua Trường Tiền cảm thấy vui khi biểu tượng của quê hương mình đang dần trở lại với hình bóng năm nào, mặc dù chưa thật trọn vẹn", nhà văn Bửu Ý nói.

Phục dựng vẻ đẹp xưa cây cầu thế kỷ của xứ Huế ảnh 11

62 bức ảnh đen trắng về 54 dân tộc Việt Nam triển lãm trên cầu Trường Tiền vào năm 2014. Ảnh: Võ Thạnh.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG