Lần đầu tiên, tôi thấy núi Phú Sĩ là vào đầu những năm 80 thế kỷ trước ở nước Nga. Tôi mua một cuốn sách về nghệ thuật, trong đó có bài giới thiệu rất kỹ về bộ tranh “Phú Sĩ 36 vẻ” của họa sĩ Katsushika Hokusai (1760 -1849). Tôi cực kỳ ấn tượng với những bức tranh màu vẽ núi Phú Sĩ mà người họa sĩ kỳ tài nước Nhật vẽ từ 150 năm trước cho đến thời điểm đó. Tôi đặc biệt thích bức được chú thích là “Phú Sĩ Đỏ” (sau này, trong nhiều nguồn tư liệu tôi thấy bức này còn có tên là “Cảnh núi Phú Sĩ một ngày đẹp trời”). Trong tranh, ngọn núi được thể hiện theo lối cách điệu lãng mạn với màu đỏ thắm (khá giống với màu đỏ trong một số tranh của các họa sĩ trường phái ấn tượng châu Âu), nổi lên hùng vĩ. Bố cục bức tranh đơn giản, rõ ràng. Ngọn núi nằm bên lệch phải bức tranh trên nền trời đầy mây bạc xốp tạo thành những làn sóng theo chiều ngang làm mềm đi những đường nét dốc đứng của ngọn núi. Phú Sĩ chiếm phần lớn diện tích bức tranh, nên khi xem, người ta có cảm giác nó đứng rất gần, ngay trước mặt. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, xuống phía dưới, ta sẽ thấy màu xanh của rừng thông ngút ngàn bị nhòa dần đi của rừng chứng tỏ rằng nó phải ở một khoảng cách khá xa. Người xem nhận ra điều này sẽ thấy ngỡ ngàng bởi sự hùng vĩ và tài tình của phép miêu tả.
Hình ảnh ngọn núi màu đỏ thắm hơi thẫm với những suối tuyết trắng trên đỉnh chạy xuống đầy tính tượng trưng. Đó là hiện thân của sức mạnh và sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Tôi đã mang cuốn sách đó về Việt Nam và khi tham gia lập ra tờ Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, tôi đã dựa theo nó mà viết bài “Phú Sĩ 36 vẻ” đăng trên số đầu tiên của tạp chí này vào năm 1991. Chỉ tiếc là tạp chí không in màu để thể hiện được ngọn núi đỏ đặc biệt đó.
Sau này, tôi nhiều lần nhìn thấy núi Phú Sĩ trên phim ảnh, một ngọn núi rất đẹp có chóp đóng băng trắng, đứng cô đơn vô cùng ấn tượng. Cũng phải nói rằng trong các phim truyện không phải của Nhật, người ta thường lấy các ngọn núi khác có đặc điểm tương tự như Phú Sĩ để thay cho nó. Ví dụ, núi Phú Sĩ trong phim “The Last Samurai” (Võ sĩ Samurai cuối cùng) là hình ảnh ngọn núi lửa Taranaki, hay còn gọi là Egmont ở New Zealand. Núi lửa Osmo ở miền Nam Chile cũng khá giống Phú Sĩ. Nhưng không ngọn nào trong chúng đẹp bằng núi Phú Sĩ. Và cho dù thấy núi Phú Sĩ dưới hình hài nào thì trong tôi hình ảnh Phú Sĩ Đỏ vẫn đọng lại.
Không hiểu thế nào mà trước chuyến đi này, tôi đã đến Nhật ba lần mà chưa lần nào thấy được núi Phú Sĩ. Chưa đến Phú Sĩ, chưa đến Nhật Bản, có thể nhại một cách nghiêm túc câu thành ngữ Trung Hoa “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” như thế. Mục tiêu của lần theo tua du lịch lần này là giải cơn khát đó.
Khi người hướng dẫn của Vietravel xướng lên: “Các anh chị chú ý, chúng ta chuẩn bị thấy núi Phú Sĩ phía bên trái xe”, tôi thấy sự bồn chồn trong mình chuyển thành xúc động. Ngọn núi đỏ thắm ám ảnh mà tôi mong được thấy tận mắt kể từ khi xem bức tranh cách đây gần 40 năm đó bây giờ mới thực sự hiện ra trước mắt!
Trước khi đi Nhật lần này, tôi đọc trên mạng về núi Phú Sĩ và có ấn tượng mạnh với một bút ký của tác giả có tên Ngọc Bảo, một người theo tôi hiểu ngày xưa, lâu lắm rồi từng du học hoặc sống ở Nhật, nhưng chưa có duyên nhìn thấy núi Phú Sĩ. Cái đoạn tác giả này viết khi sau rất nhiều năm trở lại Nhật và lần đầu tiên nhìn thấy nó thế này: “Những tia sáng ban mai bắt đầu len lỏi vào qua bức màn cửa dầy. Chỉ mới 5 giờ nhưng trời đã mờ mờ sáng. Tôi hồi hộp nghĩ đến buổi đi chơi núi Phú Sĩ ngày hôm nay, không biết lần này mình có duyên thấy được núi Phú Sĩ hay không? Tôi đứng dậy kéo tấm màn cửa nhìn ra ngoài. Và trước mặt tôi là một cảnh tượng thật huy hoàng! Chính là núi Phú Sĩ hùng vĩ đang đứng sừng sững trên một vùng hồ bao la, đỉnh núi tuyết vạn niên lấp lánh mầu bạc trong ánh sáng của buổi bình minh, hoàn toàn hiện ra thật rõ ràng, không chút gợn mây trong bầu trời trong xanh. Và từ từ, cùng với ánh nắng ban mai, hình ảnh Phú Sĩ bắt đầu phản chiếu lên mặt hồ tĩnh lặng, làm thành một bức tranh tuyệt vời. Sau bao năm xa cách, tôi đã đi đúng một vòng và hoàn thành cái duyên của tôi với đất Nhật”. Có lẽ cảm xúc của tôi không thể bằng với một người có quá khứ gắn với nước Nhật như thế, nhưng cũng là một cảm xúc đủ để nhớ trong đời.
Thật là một ngọn núi đẹp. Người ta nói rằng Phú Sĩ hình thành từ núi lửa, kỳ diệu làm sao nó lại có một hình dáng dạng nón gần như đều, khiến cho người ngắm từ bất kỳ hướng nào đều thấy hình ảnh nó như nhau. Điều làm nó ấn tượng nữa là đứng khá tách biệt với các núi xung quanh. Và điều đặc biệt nhất là cái chóp phủ băng tuyết trắng của nó. Mỗi Phú Sĩ đầu bạc giữa nổi cao hẳn lên gữa các ngọn núi xanh đứng cách xa ra một chút! Nếu Phú Sĩ không có cái chóp băng tuyết ấy, hẳn nó không nên thơ đến thế. Ký ức văn học cổ nhất người Nhật còn lưu lại được về Phú Sĩ là bài thơ của Yamabe no Akahito sống vào thế kỷ thứ 8 (nằm trong tuyển tập thơ cổ Vạn Diệp tập): “Ngang vịnh Tago/Trông núi Phú Sĩ/Tuyết trắng một màu”.
Cái chóp băng tuyết đó liên quan đến chiều cao vượt trội của Phú Sĩ, 3.776 mét vút lên trời, nghĩa là cao hơn nóc nhà Đông Dương Phan Xi Păng đến 633m. Chiều cao đó khiến cho trong năm, băng trên đỉnh núi ít khi tan hết. Chiều cao đó cũng khiến Phú Sĩ thường xuyên bị mây mù che phủ. Thấy bảo trong năm, người ta chỉ có thể nhìn thấy toàn bộ hình dáng của nó chỉ khoảng 100 ngày và vào những ngày trời trong mây đẹp như chúng tôi hôm nay lại càng ít hiếm hơn nữa. Vậy nên không phải ai cũng có may mắn thấy Phú Sĩ cho dù cất công ngàn dặm đến với nó. Bậc kỳ tài haiku Basho (1644-1694) ngày xưa cũng từng có lần không có được có cái duyên đó, đành phải thay bằng ngọn núi trong tâm tưởng trong bài Haiku thuộc loại nổi tiếng nhất trong những bài thơ từng được viết về Phú Sĩ: “Sương thu giấu Phú Sĩ/Mắt tìm không thấy núi/Núi vẫn làm lòng vui”. Và một bản dịch khác: “Sương mù bao phủ/Phú Sĩ chìm khuất rồi/Núi hiện hình trong tôi” (Đoàn Lê Giang dịch).
Con người bé nhỏ là tôi lại có cái may mắn hơn thi hào nước Nhật, hôm đó trời thật trong xanh, nắng thật đẹp. Chóp trắng, chân xanh lơ hơi đậm, nó hiện ra đầy chất thơ. Tuy nhiên, thấy bảo bên cạnh thi hứng thì Phú Sĩ còn gây cho người Nhật cảm xúc kính cẩn và kinh sợ. Điều này liên quan đến việc Phú Sĩ vẫn là một ngọn núi lửa đang hoạt động, và lần phun trào gần đây nhất của nó là vào năm 1707-1708. Khi phun trào, ngọn núi nên thơ này trở nên cực kỳ hung dữ. Dấu vết các lần phun trào có người chứng kiến của Phú Sĩ còn lưu lại trong một trường ca cổ khuyết danh với những câu: “Lửa cháy, tuyết tan/Tuyết rơi, lửa lại tàn”.
Với việc Phú Sĩ có hình dáng đẹp đẽ nhưng bây giờ nhưng lại có khả năng bao giờ đó lại phun trào khiến hình dáng của nó có thể thay đổi hoàn toàn, Sugawara Hisao - nhà nghiên cứu thực vật Phú Sĩ nổi tiếng nói khi được hỏi “Gần như mỗi ngày ông đều đi thăm núi Phú Sĩ, vậy cảm giác của ông thế nào?”: “Tôi rất hạnh phúc! Dù nhìn mỗi ngày vẫn cảm thấy rất hạnh phúc! Nhà văn Kyuya Fukada viết trong cuốn “100 ngọn núi nổi tiếng Nhật Bản” là “Dù mang hình dáng đơn giản nhất nhưng việc có thể trở thành dáng hình đẹp đẽ không ai có thể bắt chước như thế quả là một điều kì diệu”. Về khía cạnh địa chất thì ngọn núi có độ dốc như núi Phú Sĩ khá là hiếm có. Tuy nhiên, hình dáng này chỉ tồn tại lúc này mà thôi, 10.000 năm trước không có hình dáng như vậy, và 10.000 năm sau có thể cũng sẽ không còn. Chúng ta thật may mắn khi có thể chiêm ngưỡng hình dáng tuyệt mỹ này, đúng không. Vậy nên mọi người hãy cảm thấy hạnh phúc khi nhìn ngắm ngọn núi này đi”.
_____
(Xem tiếp phần 2 của bài viết trên Tiền Phong ra thứ 2, ngày 22/4/2019).