Tạo giá trị mới cho nông sản
Từ năm thứ hai Nguyễn Thị Thanh Vân - sinh viên ngành Tài chính ngân hàng Trường ĐH Trà Vinh, đã đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học với hơn nghìn thành viên. Câu lạc bộ thường xuyên sinh hoạt, tổ chức nhiều hoạt động trang bị kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học và kết nối, hỗ trợ sinh viên thực hiện những đề tài có tính ứng dụng, khả thi, cũng như khởi nghiệp.
Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng nhóm Dự án “S2M” trình bày dự án tại cuộc thi khởi nghiệp năm 2023 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam tổ chức. Ảnh: Xuân Tùng |
Năm 2022, nhóm của Vân đến thăm các nhà vườn ở Trà Vinh, nghe người dân chia sẻ xoài rớt giá và muốn đốn bỏ trồng cây khác. Điều này đã thôi thúc cô sinh viên ngành Tài chính ngân hàng “làm gì đó để giải cứu xoài và hỗ trợ người nông dân”, nhưng không phải bằng cách giải cứu tiêu thụ sản phẩm. Vân cho rằng, nhận bán hàng, tiêu thụ sản phẩm chỉ mang tính “giải cứu”, không giải quyết được gốc vấn đề. Muốn bền vững phải tạo được giá trị mới để tăng giá trị nông sản.
“Dự án của chúng tôi có mục tiêu tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu vỏ trái cây nói chung và vỏ xoài nói riêng, để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Chúng tôi có niềm tin thành công đối với việc biến những thứ bỏ đi thành sản phẩm có giá trị, tính thẩm mỹ cao, đáp ứng được xu hướng xanh và bền vững hiện nay của thị trường, xã hội”.
Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng nhóm Dự án “S2M”
“Trong quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy các nhà sản xuất chế biến chỉ lấy phần thịt xoài, bỏ hạt và vỏ. Nếu không được sử dụng làm phân bón thì vỏ xoài đổ bỏ ra ngoài môi trường tạo thêm gánh nặng xử lý. Vì vậy, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu tài liệu và biết được có thể biến vỏ xoài thành chất liệu da”, Vân chia sẻ.
Ý tưởng biến vỏ xoài thành da ban đầu phần đông mọi người cho rằng không khả thi. Chỉ có Khánh Hưng (sinh viên ngành Công nghệ sinh học) và Nhật Minh (sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh và Công nghệ thông tin) tin tưởng Vân và trở thành cộng sự.
Lúc đầu, nhóm làm kiểu “cây nhà lá vườn”, xử lí vỏ xoài theo cách phơi khô ngoài nắng và gặp thất bại với thành phẩm biến dạng, mốc meo. Vân cùng hai cộng sự tìm hướng nghiên cứu bài bản trong phòng thí nghiệm với mục tiêu tối ưu quy trình biến vỏ xoài thành da. Nhóm làm đi làm lại nhiều lần, vừa làm, vừa điều chỉnh để xây dựng được quy trình tối ưu: thu gom - rửa vỏ xoài - loại bỏ tạp chất - tách nước - sấy ép - tạo hình. Sản phẩm làm ra thân thiện môi trường với “3 không” (không rác thải, không nước thải, không khí thải), đáp ứng tiêu chí kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
Theo Vân, sản phẩm da từ vỏ xoài đã đạt khả năng không thấm nước, đàn hồi cao tương đương da thật và có thể tái sử dụng, tái chế. Kích cỡ mỗi miếng da bằng tờ A4, A5, tùy theo khuôn đổ. Da có nhiều màu sắc, hoàn toàn tự nhiên, như màu trắng từ vỏ trái xoài xanh non; màu đỏ nâu từ vỏ trái sắp chín; màu nâu từ vỏ trái nám hư.
“Nhóm đã rút ngắn được thời gian sản xuất đối với một miếng da, từ 48 giờ giảm còn 16 giờ. Nhóm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tối ưu thời gian sản xuất, cũng như nghiên cứu phối trộn hương liệu từ những loại trái khác để đa dạng sắc màu sản phẩm”, Vân nói.
Mở rộng quy mô
Nhóm của Vân không dừng lại việc nghiên cứu mà muốn làm ra sản phẩm thực tế và “tạo ra thương hiệu da thuần chay ở Việt Nam góp phần nâng cao giá trị nông sản nói chung, tận dụng tối đa nguồn rác thải hữu cơ trong nông nghiệp”. Thương hiệu da từ vỏ xoài “S2M” ra đời. “Chữ S2 nhìn sâu kết hợp tạo hình trái tim, có nghĩa là Love Mango - chúng tôi yêu xoài. Nhìn góc nghiêng S2M với chiếc lá giống hình trái xoài”, Vân tiết lộ.
Nhóm đã tạo ra sản phẩm từ vỏ xoài như một số loại ví nam nữ, bao đựng danh thiếp, móc khóa, bao kính... để bán ra thị trường. Một trang web, fanpage cũng được xây dựng để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và hoạt động của nhóm.
Vân chia sẻ, hiện có một số đơn vị Nhật Bản và doanh nghiệp trong nước quan tâm, liên hệ tìm hiểu sản phẩm. Nhóm đã có các đơn hàng nhập nguyên liệu da từ vỏ xoài để gia công làm phụ kiện, họa tiết trang trí trong thiết kế thời trang.
Vân cho biết thêm, dự án đã nhận được sự hỗ trợ, tư vấn và kết nối nguồn lực để hoàn thiện hơn. Trong năm 2024, nhóm dự định mở xưởng để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng các đơn hàng. Thị trường hướng đến của nhóm là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM...
Dự án biến vỏ xoài thành da của nhóm Vân đã ghi dấu ấn tại nhiều cuộc thi khởi nghiệp. Dự án đã lọt Top 10 vòng chung kết cuộc thi “Tìm hiểu ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp Trung ương” do T.Ư Hội LHTN Việt Nam tổ chức; giải Ba cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo công nghệ quốc gia năm 2023 do ĐHQG Hà Nội tổ chức; giải Nhất cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn Trà Vinh tổ chức năm 2023.