Phụ nữ thích 'khoe thân' cũng là một dạng tâm thần?

Phụ nữ thích 'khoe thân' cũng là một dạng tâm thần?
Nói về Di Li, những ai từng tiếp xúc với cô đều có thể nhận xét ngay rằng đó là một phụ nữ đẹp hoàn thiện, từ ngoại hình, lời nói, cách giao tiếp tới trí tuệ và vốn sống. Có lẽ vì thế, Di Li đủ sâu sắc, đủ thông minh để nhìn nhận thế nào là hình mẫu người phụ nữ đẹp thành đạt và sự lố lăng của những cô gái “cởi đồ khoe thân” trong showbiz như trường hợp đang gây xôn xao dư luận của bà Tưng.

> Hé lộ nữ sinh 10X học đòi 'Bà Tưng' bị 'ném đá'

> Bà Tưng: 'Em ân hận lắm, sẽ không quay clip sexy nữa'

Di Li cho rằng, một người phụ nữ đẹp là người biết cách ăn mặc, trang điểm, chăm sóc bản thân chứ không đơn giản là có gương mặt đẹp.

Phụ nữ thích 'khoe thân' cũng là một dạng tâm thần? ảnh 1

Phụ nữ đẹp thường có tâm lý ỷ lại

Di Li luôn xuất hiện với ngoại hình xinh đẹp, chỉn chu. Chắc hẳn chị rất coi trọng việc làm đẹp?

Tôi thích mọi cái xung quanh mình phải đẹp chứ không đơn giản là chỉ làm đẹp cho bản thân mình. Tôi muốn mình đẹp, không gian quanh mình đẹp và những người xung quanh mình đều đẹp. Ngay cả viết văn cũng vậy. Tôi luôn coi trọng tính thẩm mỹ. Viết văn liên quan đến vấn đề “chân, thiện, mỹ” và mang tính hướng thiện. Người viết văn phải có nhân cách. Không phải ai có nhân cách cũng trở thành nhà văn lớn nhưng một nhà văn lớn thì chắc chắn phải có nhân cách.

Nhưng nếu chỉ nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng như vậy thì sẽ khiến văn chương trở thành phi hiện thực?

Người viết văn cũng giống như một nghệ sĩ nhiếp ảnh vậy. Người nghệ sĩ có thể ghi lại những hình ảnh rất thực ở khu ổ chuột nhưng vẫn khiến người ta sửng sốt bởi những góc độ thẩm mỹ.

Nhà văn cũng vậy. Có thể, anh viết về một người xấu, về các vấn đề tiêu cực trong xã hội nhưng anh phải làm sao để lời văn của mình không làm cho người ta cảm thấy ghê sợ, thô tục. Điển hình như tiểu thuyết Lolita của Vladimir Nabokov chẳng hạn. Nội dung tiểu thuyết kể về một người đàn ông mắc bệnh ấu dâm với những tình tiết khá “sốc”.

Tuy nhiên, người đọc không hề cảm thấy những đoạn miêu tả đó trần tục vì nó được diễn giải qua ngòi bút tài năng của tác giả. Đó chính là tính thẩm mỹ trong văn chương.

Thật ra để viết văn hiện thực đạt tới trình độ thẩm mỹ không phải dễ; giống người họa sĩ vẽ nude vậy, như đi trên dây vắt ngang qua vực thẳm, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ rơi từ bên này sang bên kia, ranh giới vô cùng mong manh. Người viết cần có tài năng trong sáng tạo thì mới đủ tự tin để không bị lộn cổ xuống vực thẳm.

Ngoài những thuận lợi thấy rõ thì theo chị, một người phụ nữ đẹp gặp phải những bất lợi gì?

Phụ nữ đẹp quả thật có rất nhiều lợi thế. Họ được nhiều người quan tâm hơn cũng như ưu ái hơn trong cuộc sống cũng như trong công việc. Tuy nhiên, vì phần ngoại hình nổi trội mà những người đẹp lại thường bị đánh giá thấp về kiến thức cũng như trí thông minh. Mọi người thường nghĩ họ là những “bình hoa di động” nên ấn tượng ban đầu trong vai trò công việc không tốt. Ngày mới ra trường, tôi đã từng cố làm cho mình xấu đi mỗi lần đi xin việc bởi nghĩ rằng nếu mình làm đẹp quá mức thì người ta sẽ nghĩ rằng mình dốt, chỉ biết chải chuốt, trang điểm chứ không làm được việc. Thế nhưng, qua những lần phỏng vấn ở công ty nước ngoài, tôi mới rút ra kinh nghiệm rằng, đẹp là một lợi thế chứ không phải tội lỗi gì mà phải giấu đi. Quan trọng là mình chứng minh được cho người ta thấy sự tương đồng về vẻ đẹp ngoại hình với vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ.

Không phải cứ “cởi đồ” gây chú ý thì gọi là PR

Nhiều người quan niệm rằng, phụ nữ đẹp thường không thông minh. Chị nghĩ sao về quan niệm này?

Tôi lại không nghĩ vậy. Người ta thường nói “trông mặt mà bắt hình dong”. Chính vì vậy những cô gái có ngoại hình sáng sủa, ưa nhìn thì chắc chắn cũng rất sáng dạ. Vấn đề là phụ nữ đẹp lại rất ý thức được vẻ đẹp của họ, ngay từ nhỏ. Đi đâu họ cũng được người khác khen ngợi, nâng niu. Vậy là nhiều cô gái vì ỷ lại vào sắc đẹp của mình mà sinh ra lười nhác, không chịu khó học tập, trau dồi kiến thức. Thực tế, có thông minh đến mấy, nếu không chịu học tập thì cũng không thể có kiến thức, dù người xấu hay người đẹp.

Nhiều cô gái đẹp có suy nghĩ rằng mình xứng đáng được “ăn không ngồi rồi”, được người khác cung phụng, chiều chuộng mà không phải làm gì. Theo chị thì có nên phê phán những suy nghĩ lười lao động như vậy không?

Mỗi người có một cách sống, tôi nghĩ không nên phê phán ai nếu họ không làm ảnh hưởng tới người khác, tới xã hội. Phụ nữ Việt Nam chỉ mấy thập kỷ trở lại đây mới hoạt động xã hội mạnh chứ ngày xưa cũng thường ở nhà nội trợ, chăm sóc chồng con thôi mà. Nói như vậy để thấy rằng, những người phụ nữ không đi làm, được người đàn ông nuôi không có gì là xấu. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, công bằng, bình đẳng như hiện nay mà người phụ nữ chỉ quanh quẩn ở nhà thì họ đang tự chặt đứt các mối quan hệ và niềm vui của mình. Hơn nữa, sống phụ thuộc vào người khác thì chắc chắn cuộc sống sẽ không thoải mái như “tự lực cánh sinh”.

Nhiều bạn trẻ hiện nay đang dựa vào vẻ đẹp ngoại hình của mình để tìm kiếm sự nổi tiếng, giống như trường hợp “bà Tưng” gây ồn ào thời gian vừa qua. Liệu đây cũng là cách sống họ lựa chọn mà xã hội không cần phê phán?

Tất nhiên, nếu họ không làm gì ảnh hưởng tới cuộc sống của người khác. Tôi không bàn luận về cá nhân nào bởi đó là quyền tự do của họ và không có liên quan gì tới tôi. Tuy nhiên, điều tôi muốn chia sẻ quanh vấn đề này là sự tham gia thái quá của truyền thông khiến những sự việc đơn giản, nhỏ lẻ trở nên ầm ĩ. Trong bộ môn tâm thần học có khoảng hơn 300 thể bệnh tâm thần và đôi khi một vài trường hợp “khoe thân” cũng thuộc vào dạng rối loạn tâm lý hành vi. Những người mắc bệnh này giao tiếp và làm việc hoàn toàn bình thường. Họ chỉ vướng mắc một vài sự rối loạn nào đó mà thôi. Chính vì vậy đừng vội quy chụp rằng ai đó đang tìm kiếm sự nổi tiếng bằng cách “cởi đồ” để rồi làm mọi chuyện trở nên ầm ĩ.

Là người làm truyền thông, chị có thấy “cởi đồ khoe thân” là cách PR bản thân nhanh nhất trong showbiz hiện nay không?

Nếu cứ gọi “cởi đồ” hay phát ngôn ngớ ngẩn là PR thì sinh viên của tôi chẳng cần mất 4 năm học và tôi cũng không cần mất tới vài năm để hoàn thành luận văn thạc sĩ về đề tài này. Quan hệ công chúng (PR) thực chất là gây thiện cảm. Đây là một ngành nghề rất khó. Tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên tôi biết, để thực hiện chiến lược PR cho một cá nhân không phải chuyện dễ dàng, phải có kế hoạch, có tiềm lực kinh tế và quan trọng là phải có cái cốt. Cái cốt chính là người đó phải có tài năng hoặc có một điều đặc biệt gây chú ý công chúng. Chính vì vậy, một người nổi tiếng theo hướng bị mọi người phỉ nhổ thì sao gọi là PR được. Việc sử dụng dễ dàng khái niệm này là một sự sỉ nhục đối với ngành PR.

Nhưng không thể phủ nhận việc “cởi đồ” là cách nổi tiếng nhanh nhất mà không một kế hoạch truyền thông nào có thể sánh bằng?

Tất nhiên. Nếu bạn khỏa thân cưỡi lạc đà trên phố thì ngày mai lập tức bạn sẽ nổi tiếng khắp thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Tuy nhiên, nổi tiếng như thế để làm gì khi người ta phỉ nhổ vào việc làm đó của bạn hoặc coi bạn như người bị tâm thần? Mặt khác, những người nổi tiếng theo cách tiêu cực thì chỉ được một thời gian rồi sau đó sẽ chìm. Nếu họ có làm lại lần 2, lần 3 thì cũng chẳng ai còn hứng thú mà quan tâm nữa.

Cảm ơn chị về những chia sẻ thẳng thắn!

Cây bút trẻ đa tài

Di Li là một trong những cây bút trẻ nổi tiếng với nhiều cuốn sách best-seller của Việt Nam. Ngoài ra, chị còn được biết đến với vai trò chuyên viên PR, giảng viên đại học và dịch giả. Tác phẩm phát hành mới đây nhất của Di Li là “Adam và Eva” gồm 24 câu chuyện xoay quanh đề tài đàn ông và phụ nữ, bình đẳng giới, tình yêu, hôn nhân, gia đình. Cuốn sách đã gây được sự chú ý lớn bởi kiến thức rộng, vốn sống dày dặn và cái nhìn tinh nhạy đặt trong những trang viết lúc nghiêm trang, lúc lại tươi trẻ, hóm hỉnh - thế mạnh riêng có của Di Li.

Theo Đinh Nhung
GiadinhNet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG