Phụ huynh khốn khổ vì đập heo đất cho thầy giáo biến chất vay tiền
Ngồi trước mặt phóng viên, giọng người đàn ông như sắp khóc. Anh kể rằng gia đình thu vén tiết kiệm được gần 5 triệu đồng bỏ ống heo, thì thầy giáo của con hỏi vay, hẹn đầu tháng 5/2013 sẽ trả. Đến ngày hẹn, anh tìm gặp thì người này đã “cao chạy xa bay”. Gia cảnh đã nghèo khó, nay lại càng túng bấn, ôm nỗi uất ức.
Nghèo rớt mồng tơi, ông Tuấn vẫn bị thầy giáo của con vay tiền rồi lặn mất tăm. |
Đập ống heo, vét tiền đưa thầy đút túi
Bạn đọc khốn khổ này tên Trần Văn Tuấn (SN 1963, ngụ số 280/43/13 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, Tp.HCM). Trong căn phòng xập xệ chỉ khoảng chừng 6m2, chủ nhà ngồi nép mình trong góc nhường chỗ cho khách, thuật lại chuyện có đứa con trai đang học lớp 4 trường tiểu học gần nhà. Cách đây hơn một tháng, thấy con học yếu quá, có nguy cơ ở lại lớp mà ông không biết làm thế nào. Đem tâm sự kể với thầy giáo Lê Hùng Lâm, là chủ nhiệm một lớp trong trường, thầy giáo có vẻ thông cảm và đề nghị dạy kèm.
Ông Tuấn nói: “Thấy ông Lâm là thầy giáo, lại dạy ở trường mà con tôi theo học, vợ chồng tôi rất yên tâm, mừng như chết đuối vớ được cọc. Hỏi chuyện tiền công, thầy Lâm nói: “Thấy anh chị nghèo quá nên đưa hai ba trăm gì cũng được””. Vợ chồng ông Tuấn đưa cho thầy 500 ngàn đồng để dạy con ông vào 5 buổi tối cùng một học sinh khác.
Một ngày sau, thầy giáo đến rủ vị phụ huynh đi nhậu, hỏi mượn tiền, lý do: “Có thằng bạn làm bên điện lạnh, hiện đang thầu mua dàn máy lạnh tại xưởng”. Lúc ấy trong người vẫn còn hơi men, phụ huynh vẫn nói để về bàn bạc với vợ. Thầy giáo “kè” phụ huynh về nhà, nên ông Tuấn đành nói với vợ đập con heo tiết kiệm. Một đống tiền lẻ trước mặt, sau một hồi đếm đi đếm lại chỉ có 4,7 triệu đồng. Vợ ông lấy số tiền 300 ngàn vừa bán xôi hôm ấy gộp vào cho đủ 5 triệu đưa cho thầy giáo.
Người đàn ông nghèo khổ kể đến đây thì người vợ tiếp lời: “Vợ chồng hiền lành, tin người quá, đưa hết toàn bộ tiền trong ống heo, tiền bán xôi mà không giữ lại trong nhà một đồng nào. Hôm sau người ta đến thu tiền điện nước mà không có trả, bị mắng xối xả”.
Cầm tiền của phụ huynh, thầy giáo hứa đầu tháng 5/2013 sẽ trả, nhưng đến nay đã giữa tháng mà vẫn không thấy tăm hơi gì. Sốt ruột, ông Tuấn gọi điện thì không liên lạc được. Đến trường hỏi thăm, được biết thầy giáo này đã nghỉ không xin phép từ ngày 2/5. Đến gia đình, người vợ nói đã ly dị, nhiều năm không qua lại với nhau.
Một trường hợp khác là chị Trần Thị An (SN 1972, ngụ 239/37 đường Trần Văn Đang, phường 11, Quận 3), có con trai trong lớp do thầy Lâm làm chủ nhiệm. Thấy con học kém, chị cũng nhờ thầy dạy kèm từ tháng 10/2012, tiền công 1 triệu đồng/tháng. Dạy vài tháng, thầy giáo hỏi vay vợ chồng chị 3 triệu đồng lấy thuốc cho cha, một tuần sau lại hỏi vay thêm vẫn lý do cũ. Liên tiếp nhiều lần như thế, đến nay số tiền đã hơn 20 triệu. Mỗi lần vay, thầy giáo đều quả quyết: “Nếu tôi không trả, chị cứ qua trường thưa Ban giám hiệu”. “Ông ấy nói vậy nên chúng tôi yên tâm, không nghi ngờ gì, ai ngờ…”, phụ huynh này than thở.
Thầy giáo biến chất lừa đảo hàng loạt phụ huynh
Cũng theo lời chị An, còn nhiều phụ huynh khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Những phụ huynh này đa số đều có con em học kém nên lo lắng, khi được thầy Lâm ngỏ ý giúp đỡ thì vui mừng. Ông Lâm đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, lợi dụng cương vị thầy giáo để vay tiền của phụ huynh học sinh từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Nếu không vay tiền, người này vay bằng hình thức “mua nợ”, điển hình như trường hợp một phụ huynh bị mua nợ 20 thùng bia Heiniken…
Sự việc diễn ra đã lâu nhưng những phụ huynh không dám tố cáo vì sợ con em bị trù dập, bị cho ở lại lớp. Chỉ có gia đình nhà hai anh chị, quá túng quẫn, không còn cách nào mới phải đứng lên làm đơn kiến nghị.
Đến hẹn phải trả tiền, từ ngày 30/4, ông Lâm cắt đứt mọi liên lạc, từ ngày 2/5 không đến trường dạy học. Trao đổi với ông Lê Thành Được, Hiệu trưởng trường này, được biết: “Theo nhà trường được biết thì ngày 2/5 là ngày vợ chồng thầy Lâm ra tòa ly dị. Hôm đó thầy Lâm nghỉ, nhưng cũng không đến dự phiên tòa. Nhà trường đã liên hệ với gia đình thầy Lâm, gia đình cho biết thầy Lâm đã lâu không về nhà.
Thông tin về việc thầy Lâm vay tiền của phụ huynh học sinh đến nay chưa trả, lãnh đạo phòng giáo dục của quận đã chỉ đạo sẽ cử thanh tra về tìm hiểu, nhưng phải đợi cho đến khi học sinh thi xong để tránh làm ảnh hưởng”. Được biết ông Lâm công tác tại trường từ năm 2008, do Sở Giáo dục Đào tạo điều động về Phòng giáo dục quận, sau đó Phòng điều về trường, phụ trách khối lớp 4.
Gia đình ông Tuấn, người bị thầy giáo “vay tiền” gần chục năm nay luôn nằm trong diện hộ nghèo. Thu nhập của cả nhà phụ thuộc vào gánh xôi. Sáng vợ chồng thức dậy từ 3h nấu xôi đem bán trước cổng trường. Cơm trưa xong, không ngơi nghỉ, anh chị lại tất bật nấu xôi chuẩn bị bán buổi chiều, mỗi ngày kiếm khoảng 200 ngàn đồng/ngày. Ngôi nhà đang ở, gọi là nhà cho oai chứ thực ra chỉ là một căn phòng nhỏ rộng chừng 6m2 trên gác 3. Mỗi lần nấu xôi, vợ chồng nấu nhờ nhà anh chị dưới tầng trệt.
Đang ngồi nói chuyện, cơn mưa bất chợt ùa về, căn phòng lại la liệt những chậu, thau, bát hứng nước dột. Nghèo thế nhưng có chút tiền tích cóp, anh chị vẫn tin tưởng và đưa cho thầy giáo của con vay. “Ông Lâm đã biết chúng tôi khổ thế, đã tận mắt thấy vợ chồng tôi đập heo ra mới có được số tiền ấy, nỡ lòng nào? Cũng vì sợ con ở lại lớp, thương con lại rơi vào cảnh nghèo hèn như chúng tôi nên chúng tôi mới cả nể”, vợ anh Tuấn nghẹn ngào.
Theo ông Lê Thành Được, Hiệu trưởng trường nơi ông Lâm công tác: “Với những gia đình đã cho thầy Lâm vay tiền mà chưa được trả, nếu xét thấy hoàn cảnh khó khăn quá thì vào đầu năm học tới cứ làm đơn lên Ban giám hiệu để được xem xét, giảm tiền đóng góp”.
Theo Thu Hiền
Pháp Luật Việt Nam