ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau): Xu hướng tất yếu
Bên cạnh đó, khi người đứng đầu Đảng và đứng đầu Nhà nước là một thì việc xử lý những việc thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình sẽ rất nhanh, ứng phó được ngay, không phải trải qua các quy trình về nguyên tắc lãnh đạo, không cần triển khai nhiều thủ tục. Thứ nữa, mô hình chúng ta đang thực hiện là lồng ghép chức danh lãnh đạo của cấp ủy với chính quyền thì đây là bước chuyển biến ban đầu ở cấp cao nhất, cho thấy xu thế chung trong cải cách bộ máy hành chính, lồng ghép các chức năng nhiệm vụ, giảm bớt gánh nặng về ngân sách, đó là xu hướng tất yếu.
Một điều nữa cần phải nói, có ý kiến lo một người nắm giữ chức vụ cao, tập trung như vậy có bị lạm quyền không? Tôi cho rằng, cái này do con người, chứ không phải do cơ chế. Ngày xưa, một vị vua độc quyền hoàn toàn nhưng đất nước vẫn phát triển vì đó là vị vua anh minh, sáng suốt. Chế độ độc Đảng cũng vậy, nếu Đảng đó hết lòng vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, đặt lên trên lợi ích cá nhân thì đấy là sự hy sinh, cống hiến.
Một cá nhân cũng vậy, vấn đề là người nắm giữ tất cả quyền hạn của người đứng đầu Đảng và đứng đầu Nhà nước mà liêm khiết, trí tuệ, biết tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân, huy động được sức mạnh của nhân dân, đặc biệt phát huy dân chủ, trọng dụng nhân tài thì quyền hạn, trách nhiệm lồng ghép đó sẽ được phát huy tối đa. Chỉ khi nào người đó lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để vun vén cho lợi ích cá nhân, cho dòng họ, con cái thì mới là cái nguy của đất nước, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không phải người như vậy.
ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương): Tân Chủ tịch nước bản lĩnh, khiêm tốn
Qua trao đổi, các đại biểu Quốc hội chúng tôi đều thấy rất mừng khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Điều này sẽ thuận lợi hơn trong việc lãnh đạo, điều hành và công tác đối ngoại. Tổng Bí thư tham gia công việc Chủ tịch nước, đó là tiếng nói đại diện mạnh mẽ nhất của dân tộc mình.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: Thể chế bằng pháp luật
Điều này rất hợp lý, nhất là đối với thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay. Thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng đang rất cần có sự chỉ đạo tập trung, sự lan tỏa từ Trung ương đến địa phương, nhất là người đứng đầu, người có cương vị cao nhất trong trách nhiệm nêu gương, thực hiện các chủ trương mà nhân dân gửi gắm, tin tưởng. Cho nên cần có sự tập trung và thống nhất.
Nhiều người đặt vấn đề về kiểm soát quyền lực. Đây là nội dung lớn, cần tiếp tục nghiên cứu và có thể chế điều chỉnh, trong đó có sự giám sát trong nội bộ bằng các quy chế, quy định, và được thể chế bằng pháp luật. Đồng thời thể chế sự giám sát của nhân dân trong thực hiện các lời hứa, trách nhiệm trước cử tri, nhân dân và đất nước. Những yêu cầu này đang được Đảng và Nhà nước triển khai các biện pháp, xây dựng thể chế. Tôi tin tưởng những nội dung này sắp tới sẽ được thể chế bằng pháp luật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước
Ngày 23/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo kết quả được ông Bùi Văn Cường, Trưởng Ban kiểm phiếu, công bố, tổng số đại biểu Quốc hội là 485, số người có mặt 477, số phiếu đồng ý bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là 476, bằng 99,79% tổng số phiếu hợp lệ.
Sau khi Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước ,Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời tân Chủ tịch nước thực hiện nghi lễ Tuyên thệ. Từ hàng ghế đại biểu, Chủ tịch nước bước lên cúi mình trước cờ Tổ quốc, sau đó đặt tay lên bản Hiến pháp, tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.Văn Kiên
Lãnh đạo các nước chúc mừng
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 23/10, các lãnh đạo Trung Quốc, Lào, Cuba, Nga gửi điện chúc mừng nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ Trung - Việt, sẵn sàng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước không ngừng phát triển lên tầm cao mới.Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith nhấn mạnh, việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức vụ quan trọng này thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao của toàn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với vai trò lãnh đạo nổi bật của đồng chí trên cương vị Tổng Bí thư trong suốt thời gian qua.
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raúl Modesto Castro Ruz, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Mario Díaz-Canel Bermudez cũng gửi các điện mừng. Lãnh đạo Cuba khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng cường tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Cuba. Trong điện mừng, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Kết quả bỏ phiếu của Quốc hội Việt Nam chứng tỏ uy tín cao của đồng chí trong những năm công tác trên các cương vị cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời là sự ghi nhận công lao của đồng chí trong việc giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố vị thế đối ngoại của Việt Nam”.
L.A