Hãng Sputnik dẫn nguồn tin trong lĩnh vực quân sự - công nghiệp của Ấn Độ cho biết quan điểm của chính quyền New Dehli về việc hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Liên bang Nga.
Ngày 5/10, Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 5,43 tỷ USD. Việc ký kết giúp Ấn Độ trở thành nước thứ ba mua hệ thống tên lửa phòng không tối tân của Nga sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay sau hợp đồng được ký kết, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo nếu Ấn Độ không từ bỏ hợp đồng mua S-400, Nhà Trắng có thể sẽ áp dụng “Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ bằng biện pháp trừng phạt” (CAATSA).
Theo đạo luật CAATSA, bất kỳ quốc gia nào có quan hệ giao dịch quan trọng với Nga, Iran, Triều Tiên đều sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, tuy nhiên tổng thống Mỹ có quyền miễn trừ đối với quốc gia hoặc giao dịch cụ thể.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Randall Shreever cũng nói rằng, Mỹ công nhận mối quan hệ trong quá khứ giữa Ấn Độ và Nga trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng trong tương lai Washington muốn tái định hướng cho New Delhi quay sang hướng nước mình.
Ngày 8/10 Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ, tướng Bipin Rawat tuyên bố Ấn Độ sẽ thực hiện “chính sách độc lập”.
"Ấn Độ thực hiện chính sách độc lập, do đó Mỹ có áp dụng lệnh trừng phạt cũng không ảnh hưởng đến quyết định của Ấn Độ", tướng Rawat nhấn mạnh đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Nga trên lĩnh vực quân sự.
S-400 Triumf của Nga (tên gọi theo NATO: SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa mới nhất được đưa vào hoạt động từ năm 2007.
Hệ thống được thiết kế để tiêu diệt các máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và đạn đạo, bao gồm tên lửa tầm trung, cũng như các mục tiêu bề mặt.
Hệ thống này có thể bắn trúng các mục tiêu khí động học với tầm bắn lên tới 400km, và các mục tiêu bay với tốc độ 4,8km/s ở vị trí cách xa 60km.
Radar của hệ thống có thể phát hiện mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 600km. Tên lửa đất-đối-không 48N6E3 của hệ thống có thể tấn công các mục tiêu khí động học ở độ cao 10.000 – 27.000m, và các mối đe doạ đạn đạo ở độ cao 2.000 – 25.000m.