Theo đạo luật CAATSA, bất kỳ quốc gia nào có quan hệ giao dịch quan trọng với Nga, Iran, Triều Tiên đều sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, tuy nhiên tổng thống Mỹ có quyền miễn trừ đối với quốc gia hoặc giao dịch cụ thể.
Ấn Độ thực hiện chính sách độc lập, do đó Mỹ có áp dụng lệnh trừng phạt cũng không ảnh hưởng đến quyết định của Ấn Độ, tướng Rawat nhấn mạnh, sẽ tiếp tục hợp tác với Nga trên lĩnh vực quân sự.
Theo Sputnik, Ấn Độ hiện đang thuyết phục Washington rằng nước này có lý do để miễn trừ lệnh trừng phạt bởi lịch sử hợp tác lâu dài về quốc phòng với Nga. Nhưng các chuyên gia Mỹ cho rằng Nhà Trắng đang có những thay đổi về chính trị nội bộ và tổng thống Donald Trump chỉ trích gay gắt về thương mại và thuế quan của Ấn Độ, do vậy nước này khó có thể tránh khỏi lệnh trừng phạt. Cơ hội của Ấn Độ là việc Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis ủng hộ không trừng phạt Ấn Độ và ông Trump có thể sẽ lấy thuế quan làm điều kiện trao đổi lệnh trừng phạt.
Tờ PTI của Ấn Độ dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết, đạo luật CAATSA quy định 3 trường hợp miễn trừ lệnh trừng phạt. Một là, việc miễn trừ có liên quan tới lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ hay không. Hai là, nước mua có đang hay sẽ thực hiện các biện pháp giảm nhập khẩu trang bị quốc phòng chủ yếu và vũ khí tiên tiến từ Nga. Ba là, trong những trường hợp nhất định nước mua có hợp tác với Nhà Trắng để giải quyết những vấn đề an ninh trọng yếu đối với lợi ích chiến lược của Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng, trong 10 năm qua Ấn Độ đang từng bước giảm nhập khẩu vũ khí từ Nga và mở rộng quy mô mua vũ khí của Mỹ. Ấn Độ còn là đối tác an ninh quan trọng của Mỹ, trong tương lai sẽ mua hàng tỷ USD trang bị vũ khí của Mỹ.
Schwartz, nguyên giám đốc Trung tâm Ấn Độ của Lầu Năm Góc, hiện đang làm việc cho Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ-Ấn Độ nói với PTI: “Tôi không thích dự đoán, nhưng trừng phạt Ấn Độ sẽ đẩy thị trường quốc phòng Ấn Độ sang phía Nga. Điều này đi ngược với mục tiêu của CAATSA, Mỹ sẽ không được lợi gì trong những lệnh trừng phạt như vậy”.