Phong toả, giãn cách do COVID-19, sao chi bảo hiểm y tế giảm rất ít?

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại Phiên họp. Ảnh QH
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại Phiên họp. Ảnh QH
TPO - Đại biểu Quốc hội băn khoăn, mặc dù tỷ lệ khám chữa bệnh giảm nhiều, điều trị bệnh nhân COVID-19 lại do ngân sách nhà nước chi trả, nhưng vì sao số chi bảo hiểm y tế lại giảm ít?

“Giảm tiền túi của dân” chưa thực hiện được

Ngày 1/10, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019 - 2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người, tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 0,15% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2020, ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ trên 51 triệu người là hơn 43 nghìn tỷ đồng, bằng 41% tổng số thu tiền đóng BHYT.

Theo Bộ Y tế, năm 2020, tổng thu BHYT hơn 110 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số chi quyết toán vào năm 2020 trên 109 nghìn tỷ đồng. Đáng lưu ý, mặc dù trong năm qua, số thu lớn hơn chi trên 5 nghìn tỷ đồng, nhưng quỹ vẫn âm gần 4 nghìn tỷ. Nguyên nhân được xác định do chuyển lũy kế số chi khám chữa bệnh các năm trước đã rà soát chưa thanh toán và đề nghị quyết toán vào năm 2020 hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Một số đại biểu nhấn mạnh, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh vẫn chưa giải quyết triệt để, đặc biệt trong bối cảnh các bệnh viện chịu áp lực lo “cơm áo gạo tiền” cho cán bộ, công nhân viên khi phải thực hiện cơ chế tự chủ.

Thẩm tra, Uỷ ban Xã hội cho biết, tỷ lệ người tham gia BHYT ngày một gia tăng là một trong số các nguyên nhân chính dẫn đến số lượt khám chữa bệnh theo bảo hiểm tăng lên và chi phí cũng tăng theo. Trong khi đó, nguồn quỹ lại tăng không tương ứng, mặc dù có sự gia tăng số lượng người tham gia, dẫn đến thiếu kinh phí.

“Lý do dẫn đến việc này chính là mức đóng BHYT không tăng tương ứng với mức tăng giá dịch vụ kỹ thuật và nhu cầu khám chữa bệnh, dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ”, cơ quan thẩm tra nêu.

Uỷ ban Xã hội cũng cho rằng, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và bão lũ trong năm 2020 đã tác động đến các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh... điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu cũng như phát triển người tham gia BHYT.

Mặc dù vậy, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cũng cho rằng, trong BHYT toàn dân, mục tiêu “giảm tiền túi của dân” chưa thực hiện được, việc chi tiền túi của hộ gia đình cho y tế còn cao.

Phong toả, giãn cách do COVID-19, sao chi bảo hiểm y tế giảm rất ít? ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai tại phiên họp. Ảnh QH

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thuý chia sẻ với ngành y tế, bởi trong bối cảnh khó khăn, từ lãnh đạo đến cán bộ ngành đều rất vất vả, song vẫn cân đối dự toán Chính phủ giao. Tuy nhiên, bà Thuý cũng băn khoăn, trong năm 2020, tỷ lệ khám chữa bệnh giảm nhiều so với 2019, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 do ngân sách nhà nước chi trả, nhưng vì sao số chi lại giảm ít?

Đại biểu Thuý cũng đề nghị Bộ Y tế quan tâm hơn trong việc ban hành các văn bản, quy định khung giá dịch vụ, tính đúng, tính đủ. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở y tế tự ban hành giá dịch vụ, gây gánh nặng cho bệnh nhân.

Trục lợi quỹ chưa giải quyết triệt để

Tại phiên họp, một số ý kiến đại biểu nhấn mạnh, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh vẫn chưa giải quyết triệt để, đặc biệt trong bối cảnh các bệnh viện chịu áp lực lo “cơm áo gạo tiền” cho cán bộ, công nhân viên khi phải thực hiện cơ chế tự chủ. Đại biểu dân cử đồng tình với quan điểm cần khởi tố điều tra nếu phát hiện ra các yếu tố trục lợi BHYT.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt năm 2021 có rất nhiều khó khăn thách thức, toàn ngành Y tế phải tập trung, nỗ lực tối đa, tổng lực cho chống dịch. Mặc dù vậy, ngành Y tế vẫn cố gắng thực hiện đổi mới, đạt nhiều kết quả, đặc biệt là tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt hơn 90,8%, con số phấn khởi.

Theo Bộ trưởng, cải tạo, nâng cấp trạm y tế xã, đầu tư y tế cơ sở, lâu nay vẫn được xác định là nền tảng quan trọng, đợt dịch COVID-19 thứ 4 đã thể hiện rõ việc này. Bộ Y tế đã có đầu tư nhưng chưa thoả mãn yêu cầu. Chính vì vậy, ông Long mong Uỷ ban Xã hội có tiếng nói, phát huy trách nhiệm của địa phương trong việc đầu tư y tế cơ sở. “Bộ chỉ ban hành chủ trương, chính sách chứ không thể đầu tư cho y tế tuyến xã được”, Bộ trưởng Y tế cho hay.

Về mức chi vẫn cao trong khi số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, ông Long lý giải, do yêu cầu cấp phát thuốc cho bệnh nhân sử dụng ít nhất 3 tháng để hạn chế đến viện, gây lây lan dịch bệnh COVID-19. “Số lượng bệnh nhân đến ít hơn nhưng chi phí vẫn thế thôi”, ông Long cho hay.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, trên cơ sở các ý kiến thảo luận của đại biểu và giải trình từ phía Bộ, ngành, Ủy ban Xã hội sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ vào Phiên họp tháng 10; trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới.

MỚI - NÓNG