Vài năm gần đây, việc lựa chọn trang phục đi làm phù hợp vào mùa hè trở nên khá khó khăn với nhiều chị em phụ nữ. Bởi họ vừa phải tìm ra một bộ trang phục không quá bí bách khi vận động dưới cái nóng, nhưng lại phải vừa không quá mỏng manh, thoáng mát để có thể chống chọi với cái rét ở cơ quan.
Giải pháp mặc thêm áo khoác hay quấn thêm chăn đã được nhiều chị em lựa chọn khi phải làm việc 8 tiếng trong bầu không khí lạnh lẽo.
Mới đây, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change của các tác giả Boris Kingma và Wouter van Marken Lichtenbelt đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạnh quá mức ở các phòng làm việc, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ đàn ông.
Nghiên cứu này cho biết hầu hết các hệ thống điều hòa nhiệt độ hiện nay đều được xây dựng theo một “mô hình tiện nghi nhiệt được phát triển trong những năm 1960” dựa trên các yếu tố như nhiệt độ không khí, tốc độ không khí, áp suất hơi.
Hai tác giả đã đo tốc độ chuyển hóa nhiệt trung bình của 16 phụ nữ trẻ làm công việc văn phòng nhẹ nhàng. Kết luận: họ có tốc độ chuyển hóa nhiệt thấp hơn khoảng 20 đến 32% so với tốc độ chuyển hóa nhiệt được sử dụng để tính toán trong mô hình tiện nghi nhiệt trên.
Phụ nữ có tốc độ chuyển hóa nhiệt khá thấp nên họ thường cảm thấy lạnh hơn đàn ông.
Bên cạnh đó, phụ nữ khi đi làm thường có thể thoải mái lựa chọn các trang phục khác nhau, trong khi đàn ông thường phải đóng bộ veston hoặc diện áo sơ mi – quần âu.
Bởi vậy, việc họ cảm thấy nóng bức và thường xuyên giảm nhiệt độ điều hòa cho phù hợp với mình là chuyện dễ hiểu. Trong khi đó, các chị em thường có thân nhiệt thấp hơn nên chắc chắn sẽ cảm thấy lạnh, thậm chí có người rét run.
Do đó, hai tác giả của bài báo đã đưa ra lời khuyên rằng: các văn phòng nên có sự bố trí cân bằng giữa tỉ lệ nam và nữ để đảm bảo một mức nhiệt phù hợp cho cả hai giới, đồng thời tiết kiện điện năng cho công ty và góp phần bảo vệ môi trường.