Người đứng đầu chưa làm hết trách nhiệm
Ông có thể cho biết thực trạng về công tác kê khai tài sản cán bộ, quan chức hiện nay như thế nào?
Thực tế hiện nay, các vụ án kinh tế, tham nhũng gây thất thoát tài sản rất nhiều, vấn đề kê khai tài sản rất được lãnh đạo các cấp cũng như người dân quan tâm. Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về việc kết quả thu hồi tài sản sau thanh tra, điều tra xét xử.
Việc thu hồi tài sản cán bộ tham nhũng hiện nay còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do công tác quản lý về mặt con người. Không kê khai thì không thể quản lý, giám sát. Không giám sát được tài sản của cán bộ thì càng về lâu về dài càng khó phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng. Bởi vì ngay từ đầu, cán bộ thực hiện kê khai và công tác quản lý kê khai tài sản cán bộ thực hiện tốt, nghiêm túc sẽ hỗ trợ rất tốt việc quản lý, giám sát và thu hồi tài sản sau này. Việc kê khai tài sản còn giúp công tác quản lý phát hiện và là cơ sở để thu hồi tài sản nếu phát hiện ra tham nhũng về sau.
Hiện nay nhiều người cho rằng “hy sinh đời bố sẽ củng cố đời con”. Người phạm tội thì chỉ bị xử lý về hành vi thôi, còn tài sản thì không thu hồi được do đã bị tẩu tán, chuyển nhượng quyền sở hữu cho người thân, con cháu thế hệ sau dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước.
Thời gian vừa qua, hiệu quả công tác của Cục Chống tham nhũng ra sao thưa ông?
Theo thống kê cho thấy, công tác thanh kiểm tra, giám sát, thu hồi tài sản mỗi năm có tiến bộ hơn. Những năm trước đây, việc thu hồi tài sản tham nhũng bình quân cả nước trong tất cả các lĩnh vực đạt hơn 10%, tới vài năm trở lại đây tỷ lệ này đạt 20%-30%.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng cả nước hiện nay còn hạn chế. Trong khi tỷ lệ những vụ việc do TTCP thu hồi được 60-70% thì tỷ lệ tại nhiều cơ quan ban ngành, tỉnh địa phương và các vụ, cục khác lại rất thấp.
Các quyết định kê khai tài sản hiện nay có những kẽ hở gì, nên khắc phục như thế nào từ đạo đức, sự trung thực của cán bộ, cơ chế kiểm tra giám sát trước và sau bổ nhiệm thưa ông?
Đặc trưng của tội phạm tham nhũng là tẩu tán tài sản. Muốn làm tốt việc giám sát, thu hồi tài sản tham nhũng thì ngay trong quá trình thanh tra, điều tra, kể cả quá trình truy tố xét xử mà phát hiện dấu hiệu tài sản không minh bạch, không hợp lý đối với mức thu nhập thì phải kê biên, phong tỏa toàn bộ tài sản để khi thi hành án về tội tham nhũng có thể thu hồi. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đang trong thời gian điều tra, xét xử, đối tượng đã tẩu tán đa số tài sản từ trước đó khiến việc thu hồi gặp khó khăn.
Việc kê khai tài sản đối với người được bổ nhiệm giữ các vị trí, chức vụ là việc bắt buộc trong quy trình tổ chức cán bộ của Đảng. Còn cán bộ sau khi được bộ nhiệm, giữ các cương vị lãnh đạo thì tháng 12 hàng năm phải kê khai tài sản theo đúng quy định, định kỳ. Do đó, cán bộ nào có mua bán tài sản thì cuối năm đều phải kê khai. Tuy nhiên, kê khai xong có giám sát được không mới là điều quan trọng nhất.
Thực tế, báo cáo hằng năm của các tỉnh về việc tự kê khai tài sản chưa có phát hiện sai phạm tuy nhiên, nhiều vụ việc gần đây cho thấy tình trạng vi phạm nhiều với số tài sản rất lớn. Tại sao có tình trạng như vậy?
Thực tế ở tỉnh địa phương có triển khai công tác phòng chống tham nhũng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, một số tỉnh có thể do trách nhiệm người đứng đầu chưa quyết liệt xử lý hoặc họ chưa phát hiện ra tham nhũng.
Tôi cho rằng, phát hiện tham nhũng của các tổ chức, đơn vị tự kiểm điểm, tự sinh hoạt còn rất hạn chế, thậm chí còn chưa phát hiện ra. Chủ yếu sai phạm tham nhũng được phát hiện qua thanh kiểm tra, từ đơn thư quần chúng, người dân tố cáo và từ các cơ quan công luận, báo chí. Còn tự trong tổ chức, đơn vị kiểm điểm phát hiện rất khiêm tốn. Ngoài ra, điều kiện phát hiện sai phạm, tham nhũng có nhiều vướng mắc. Ví dụ, các dự án của trung ương tại các tỉnh thì địa phương không có quyền giám sát khiến việc phát hiện gặp khó.
Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý, phong trào quần chúng tố giác tội phạm tại từng địa phương chưa cao, cán bộ làm công tác tham mưu trực tiếp hoặc cơ chế mô hình phòng chống tham nhũng còn những bất cập. Hiện nay, cán bộ thực hiện công tác này còn kiêm nhiệm, phân tán, mỗi người một khúc, một đoạn dẫn đến thực hiện không tập trung, chưa sâu sát.
Không kê khai thì đừng làm cán bộ nữa
Theo ông, hiện nay tham nhũng phổ biến dưới hình thức nào? Loại tham nhũng gì là nghiêm trọng, nhức nhối nhất?
Tất cả các việc làm để vụ lợi, tư lợi nhóm và cá nhân đều là tham nhũng. Hiện nay, tình hình tham nhũng rất phức tạp, trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Trong công tác đào tạo, tuyển sinh, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm hay kỷ luật cán bộ đều có tình trạng tham nhũng. Tuy nhiên hành vi tham nhũng, đưa nhận hối lộ rất tinh vi. Ví như việc biếu xén nhau căn hộ, mảnh đất, xe hơi, mỹ kim hay việc giao dịch tiền mặt qua tài khoản ngân hàng nhưng đứng tên người khác rất khó phát hiện, chứng minh.
Thậm chí, ngay cả các giao dịch hành chính cũng tồn tại việc cán bộ tham nhũng. Do đó, việc cải cách hành chính tốt sẽ hạn chế việc người dân trực tiếp phải giao dịch, hối lộ để được giao dịch sớm. Việc áp dụng công nghệ số vào quản lý sẽ là một giải pháp hạn chế cán bộ nhũng nhiễu dân. Tuy nhiên, chắc chắn vẫn tồn tại việc người dân, doanh nghiệp gặp riêng cán bộ để bôi trơn, làm thủ tục nhanh.
Hiện nay, những người tham mưu, hoạch định chính sách cho Đảng, Chính phủ mà mang tính chất lợi ích nhóm thì đó là cái đáng quan tâm nhất. Ngành nào cũng muốn ngành đó được quyền ưu tiên hơn, thuận lợi hơn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế sẽ tác động tới toàn bộ hoạt động của xã hội.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng tới đây có nhiều điểm mới trên nhiều lĩnh vực như xem xét số lượng người trong diện phải kê khai tài sản. Tăng mức xử lý và đưa vào kỷ luật nghiêm túc, đưa việc kê khai tài sản làm điều kiện bắt buộc cán bộ phải làm. TTCP đang đề xuất xem xét phân cấp kê khai, giám sát kê khai tài sản cán bộ theo các cấp để bám sát công tác này hơn nữa. Còn theo cá nhân tôi, đã là cán bộ phải kê khai tài sản, không kê khai vì sợ rắc rối thì đừng làm cán bộ nữa.
Ông Phạm Trọng Đạt