Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 nêu giải pháp bảo vệ không gian mạng

TPO - Theo Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tùng Hưng - Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), để tổ chức, bố trí được các lực lượng bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng cần thực hiện nhất quán quan điểm “Dựa vào xây dựng nền Quốc phòng toàn dân và khu vực phòng thủ địa phương”.

Ngày 15/6, tại Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về chủ đề “An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia”.

Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 nêu giải pháp bảo vệ không gian mạng ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội thảo, sáng 15/6.

Theo TS. Nguyễn Hữu Hùng - Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, hội thảo có vai trò quan trọng trong việc xác định và làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh mạng và mật mã, quản trị an ninh phi truyền thống, trọng tâm là quản trị an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia. Với việc xem không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt”, vấn đề bảo mật, an ninh mạng và an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã sẽ ngày càng khẳng định vai trò của mình trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của các quốc gia.

“Những ý kiến thảo luận trong hội thảo có ý nghĩa quan trọng phục vụ cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng về quản trị an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia tại Việt Nam”, ông Hùng nói.

Với sự tham gia của trên 300 đại biểu đến từ gần 30 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hơn 50 cơ quan báo chí trung ương, địa phương, hội thảo là nhiệm vụ quốc gia, thuộc đề tài khoa học cấp Nhà nước “Vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia”, thuộc Chương trình Nghiên cứu Khoa học Lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 của Hội đồng Lý luận Trung ương, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ quan chủ trì.

Tại hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Bảo đảm an ninh mạng và quản trị an ninh mạng đang là ưu tiên hàng đầu được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Bình, những thách thức trong việc bảo đảm an ninh tư tưởng trong môi trường không gian mạng (KGM) là các thế lực thù địch, phản động vẫn điên cuồng, quyết liệt phá hoại an ninh tư tưởng; tiện ích ẩn danh và bảo mật cao của các mạng xã hội tạo môi trường thuận lợi cho kẻ xấu lợi dụng và khai thác.

Bên cạnh đó là sự lạc hậu về khoa học kỹ thuật so với thế giới; các công nghệ (hạ tầng, thuật toán, kỹ thuật…) ngoài phạm vi kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước; vấn đề con người và vấn đề xây dựng, hoàn thiện, thực hiện chính sách quản lý internet, mạng xã hội.

Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 nêu giải pháp bảo vệ không gian mạng ảnh 2

Quang cảnh hội thảo.

Về giải pháp, ông Bình cho rằng, cần nghiên cứu, sơ kết, tổng kết, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác bảo đảm an ninh tư tưởng nói chung và bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường KGM nói riêng; nắm chắc tình hình, hoạt động phá hoại, gây ảnh hưởng đến an ninh tư tưởng của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên KGM.

Cùng đó, phải nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên KGM, nhất là những khó khăn trong cuộc sống, những bức xúc tồn tại trong xã hội để kịp thời có chính sách giải quyết; tăng cường tuyên truyền trên KGM, chú trọng xây dựng lực lượng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền…

Theo Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tùng Hưng - Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), để tổ chức, bố trí được các lực lượng bảo vệ Tổ quốc trên KGM cần thực hiện nhất quán quan điểm “Dựa vào xây dựng nền Quốc phòng toàn dân và khu vực phòng thủ địa phương”.

Đại tá Hưng cho biết, chủ động phương án xây dựng “khu vực phòng thủ vững chắc” trên KGM trong thời bình bao gồm: Xây dựng căn cứ, phòng tuyến. Xây dựng, phát triển hạ tầng thông tin, kết nối số của quốc gia hiện đại, đồng bộ, an toàn, an ninh mạng và liên thông từ trung ương đến địa phương, ưu tiên phát triển tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; xây dựng hệ thống các kênh truyền thông (cả truyền thông chính thống và các kênh truyền thông mạng xã hội) rộng khắp, hình thành các pháo đài truyền thông, tạo sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng mạng nhằm làm chủ cả hạ tầng KGM và thông tin trên KGM.

“Ưu tiên xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin quốc phòng, an ninh, các hệ thống tự động hóa chỉ huy và điều khiển vũ khí, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Xây dựng lực lượng chuyên trách tinh nhuệ, hiện đại; làm chủ KGM, làm chủ công nghệ, chủ động ngăn ngừa các nguy cơ tấn công mạng từ sớm, từ xa”, Đại tá Hưng nói.

Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 nêu giải pháp bảo vệ không gian mạng ảnh 3
Hội thảo là nhiệm vụ quốc gia, thuộc đề tài khoa học cấp Nhà nước.

Cũng theo Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh 86, trong thời chiến, cần huy động tổng lực các lực lượng (động viên cục bộ theo địa bàn) tham gia các chiến dịch đấu tranh trên KGM. Sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng KGM quốc gia đã được xây dựng sẵn từ thời bình thực hiện các nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động của đối phương; phòng thủ, bảo vệ KGM quốc gia (huy động sức mạnh toàn dân).

Đồng thời, sử dụng lực lượng chủ lực và lực lượng cộng tác viên đã xây dựng từ trước thực hiện các nhiệm vụ ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động tấn công của đối phương và phòng thủ, bảo vệ vững chắc KGM quốc gia. Triển khai các giải pháp kỹ thuật, nghệ thuật phòng thủ, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng.