Phố tranh chép, nỗi đau kép

Phố tranh chép, nỗi đau kép
TP - Khu phố “Tây ba lô” ở quận 1, TPHCM từng xôm tụ la liệt khách mua tranh chép. Đó là nỗi đau của mỹ thuật. Nay phố tranh chép ế ẩm vì suy thoái kinh tế. Lại thêm một nỗi đau với những họa sỹ chuyên nghiệp không có kế sinh nhai nào ngoài việc nhái tranh.

> Có một phố tranh giữa di sản

Miệt mài chép. Ảnh: T.N.A
Miệt mài chép. Ảnh: T.N.A.

Chép, chép và… lại chép

Ở các nước phát triển, vi phạm bản quyền bị phạt rất nặng, người ta hoặc sở hữu tranh thật hoặc vào bảo tàng để ngắm, nhưng khi du lịch ở Việt Nam, đến khu phố Tây, một “bảo tàng” với hàng ngàn bức họa đã bày sẵn.

Họa sĩ Nguyễn Huy Toàn, hiện giảng dạy một số môn ở trường mỹ thuật, nói: “Khu phố Tây ba lô có chừng vài chục phòng tranh thì tất thảy đều là phòng tranh chép. Giá bình quân mỗi bức tranh được bán chỉ từ 10-25 USD”.

Cường là một họa sĩ tự do quê gốc ở Quảng Ninh. Học dở dang trường mỹ thuật, anh mở một tiệm tranh chép ở khu phố Tây ba lô ở Q.1, TPHCM kiếm sống. Tiệm có 4 thợ vẽ, đang “sở hữu” hơn 200 bức tranh chép kiệt tác của thế giới. Cường cười cười bảo: “Tranh gốc giá triệu đô, tranh chép giá triệu đồng”.

Bốn thợ vẽ của anh không giới hạn đề tài, tranh gì khách mua thì vẽ. Tranh ấn tượng, hình ảnh chiến tranh, bìa băng đĩa nhạc, ảnh các ca sĩ nổi tiếng, đều được “sơn dầu hóa” hết cả.

Chất liệu, màu khá tốt, thậm chí hàng chục năm tranh chép chưa xuống màu. Đề tài phong phú, chẳng hạn với mảng tranh Việt Nam, ta thấy tranh sinh hoạt làng quê, tranh thiếu nữ, chân dung người già, cảnh chợ búa, cảnh đạp xích lô, những mảng tường đầy chữ nghĩa, dòng người hối hả… Tranh nước ngoài thì hầu như không thiếu tác phẩm của tác giả vĩ đại nào. Pablo Picasso, Gustav Klimt, Claude Monet, Andy Warhol… Một thế giới toàn tác phẩm “giả”.

Hàng chục cửa hàng rực rỡ, phong phú, những bộ sưu tập lên đến dăm trăm bức. Nhưng, đằng sau sự náo nhiệt và rực rỡ của màu sắc ấy lại là những đôi mắt mệt mỏi và u buồn của những người làm nghề vẽ chép.

Đại hạ giá

Chị Lan người Quảng Trị, thuê một cửa hàng ở phố Bùi Viện. Chị nói giá nhà tăng, giá tranh giảm. “Cũng như nhiều người ở đây, chúng em vừa là chủ vừa làm công, tự vẽ tranh để bán lấy công làm lãi. Cái gì cũng thuê thì không tồn tại được”. Chị cho biết có khi cả tuần mới bán được vài bức tranh chép. Cô vẫn đi dạy kèm môn vẽ để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Chơi tranh chép vì sính tranh ngoại hay vì tranh chép rẻ? tôi hỏi. Anh Toàn nói: “Chủ yếu do giá rẻ”. Anh dẫn chứng không ít tranh Việt Nam bán rất chạy khi chúng là … tranh chép, giá chỉ vài trăm ngàn, trong khi tranh gốc giá hàng chục triệu đồng chẳng ai mua.

Một khi dòng tranh tồn tại không phải ở giá trị nghệ thuật của nó và ở chỗ giá rẻ, thì cuộc đua hạ giá sẽ trở nên khốc liệt.

Anh Toàn tính: “Cách đây dăm năm, một bức tranh chép tác phẩm của danh họa Van Gogh khổ 60x80 cm giá 1,5 triệu đồng, hiện nay chỉ là 500.000 đồng. Giá cả mọi thứ đều tăng. Riêng tranh chép giá giảm chỉ còn bằng 30% so với 5 năm trước”.

Phố không ý tưởng

Nghèo ý tưởng và sao chép ý tưởng sẽ đưa phố tranh về đâu?

Theo họa sĩ Toàn, tranh chép có nhiều loại. Chép một số nét cơ bản, chép gần như nguyên xi, phóng tác dựa trên bản gốc. “Với người có nghề, chép tranh chẳng có gì khó - anh Toàn nói - nhưng với thợ tay ngang lại là chuyện khác. Đôi khi họ chỉ cố gắng vẽ cho được những nét chính nhất”.

Người xem nhiều, người mua ít
Người xem nhiều, người mua ít.

Việc kinh doanh cũng trở thành lối mòn. Một chủ cửa hàng nói: “Bức nào bán được thì lập tức cả phố bò ra sao chép ra hàng loạt, bày tràn lan!”. Cường nói: “Không có gì mới cả! Hàng chục năm nay hầu như tranh không có gì thay đổi, vẫn ngần ấy đề tài và chủng loại!”.

Khách tha hồ khảo giá, so sánh chất lượng. Cường nói: “Họ đi năm sáu cửa hàng, xem chỗ nào đẹp nhất, rẻ nhất, họ mới mua. Họ trả giá đến vài chục nghìn mỗi bức”. Có lẽ, người mua đã nhận thấy sự èo uột đằng sau những bức tranh sặc sỡ.

Linda, một khách hàng đến từ Philippines nói tranh chép ở đây không đẹp như chị từng nghe: “Tôi đi tìm hàng chục cửa hàng mà không được bức nào ưng ý”. Tới đâu chị cũng cố bới hàng đống tranh ra xem từng bức, nhưng rồi lại thất vọng bỏ đi.

Họa sĩ Toàn bảo: “Có gần 200 thợ vẽ ở đây, nhưng 90% là những người tới học việc và được đào tạo truyền tay tại cửa hàng chứ chẳng qua trường lớp gì”.

 Chép tranh không đem lại cảm hứng cho con người. Chỉ sự sáng tạo mới đem đến cảm hứng. Cực quá mà phải ngồi chép tranh thôi chứ có ai muốn làm công việc ấy đâu .

Thật bất công nếu không nhắc tới một số họa sĩ thực thụ. Anh Dũng chẳng hạn, anh là họa sĩ tốt nghiệp chính quy tại Huế, từng có triển lãm nơi đất cố đô. Người họa sĩ gầy gò này nói: “Nghề họa sĩ ở Việt Nam rất khó sống. Hầu hết lớp họa của tôi không ai sống bằng nghề vẽ. Tôi thích cầm cọ, đành sống bằng nghề chép tranh người khác như thế này đây”.

Anh Dũng lý giải vì sao tranh chép không đẹp và không hấp dẫn đối với những người biết chơi tranh: “Chép tranh không đem lại cảm hứng cho con người. Chỉ sự sáng tạo mới đem đến cảm hứng. Cực quá mà phải ngồi chép tranh thôi chứ có ai muốn làm công việc ấy”.

Phút giây nghệ sĩ

Chị Bích Vân có hai phòng tranh, hàng chục thợ vẽ miệt mài. Không hiểu sao trong lúc thị trường ế ẩm mà chị lại bận rộn vậy? Bích Vân nói: “Tranh chép đã bão hòa rồi anh ạ. Hiện giờ chúng em phải đặt thêm nhiều mẫu mới, thậm chí người bên nước ngoài đưa mẫu cho chúng em vẽ, mỗi lần xuất đi cũng được vài trăm bức”. Hóa ra, chị đang chuyển từ làm tranh giả sang … làm tranh thật.

Không từ chối đặt hàng nào, dù là chuyển thể từ ảnh sang tranh
Không từ chối đặt hàng nào, dù là chuyển thể từ ảnh sang tranh.

Cường cũng nói với tôi là anh đang chuyển hướng kinh doanh mảng tranh sáng tác. Phòng tranh của anh đã có 30% tranh của các họa sĩ ký gửi.

Anh Toàn cho biết anh cũng đang ký gửi một số bức nhỏ để lấy tiền mua vật liệu sáng tác: “Giá vô chừng, có khi bán vài trăm đô, có khi năm chục đô cũng bán. Khách phố tranh chép phần nhiều nghèo”.

Khách trả giá một số bức tranh siêu thực của anh Toàn ở mức 200 USD, nhưng anh muốn gấp đôi số đó. “Tôi cần tiền làm triển lãm cá nhân đầu tiên của mình vào cuối năm nay”- anh chia tay tôi ở phố tranh chép với thông tin như vậy.

Tôi nhìn theo, thấy anh đi đôi dép nhựa bộ đội, hỏi ra mới biết người họa sĩ ấy từng phục vụ trong quân ngũ.

Chưa tới 20% tranh bán ra là tranh sáng tác, nhưng ở cái phố tranh chép lâu năm này, có lẽ đó là những tín hiệu đặc biệt tốt lành.

Họa sĩ Dũng cũng nói với tôi rằng anh mới bán được một bức tranh sáng tác với giá mấy trăm USD. Giá ấy không cao nếu so với công sức của anh bỏ ra trong quãng thời gian 20 năm ở nhà thuê, ăn cơm bụi và chép tranh người khác. Nhưng việc bán được tranh mang ý nghĩa khác.

Đó là tác phẩm mà anh “đã vẽ trong trạng thái tinh thần và bút pháp hoàn toàn tự do” -Dũng vui vẻ nói với tôi.

7-2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.