Khi đến Bến Tre, ông Jan Eliasson – Jan Kennneth và Bộ trưởng Cao Đức Phát xuống thăm nơi người dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh là xã Phú Ngãi (Ba Tri). Trên đường đi, đoàn khảo sát đã chứng kiến tận mắt hàng nghìn héc ta lúa trên cánh đồng đang khô khát, chết trắng trong nắng hạn gay gắt.
Đến xã Phú Ngãi, đoàn khảo sát đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Nương, ở ấp Phú Thuận. Tại đây, bà Nương cho biết, 0,5 ha lúa của gia đình đã bị chết rụi do hạn mặn, bò cũng không đủ nước uống. Gia đình luôn trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, buộc phải mua nước ngọt bên ngoài với đắt đỏ, trong khi điều kiện kinh tế gia đình lại vô vàng khó khăn.
Ông Eliason – Jan Kennneth chia sẻ những khó khăn của gia đình bà Nương và người dân tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, ông còn cho biết, sắp tới ông sẽ nêu những khó khăn của người dân ở Bến Tre do ảnh hưởng của hạn mặn, tại Hội nghị thượng đỉnh về nhân đạo toàn cầu, đồng thời, kêu gọi quốc tế viện trợ giúp Việt Nam vượt qua khó khăn.
Ông Cao Đức Phát, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Chính phủ Việt Nam đang uy động mọi nguồn lực để giúp nhân dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của hạn, mặn. Quan điểm của Chính phủ là không để cho một người dân nào đói và thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, đợt hạn, xâm nhập mặn năm nay là do bị ảnh hưởng của vấn đề biến đổi khí hậu. Việt Nam được dự báo là một nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện tại, Chính phủ Việt Nam cũng đã tính phương án dự phòng để giúp dân thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp quốc đã hỗ trợ.
Ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre cho biết, trong các tỉnh bị ảnh hưởng của thiên tai xâm nhập mặn thì Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 20.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Đến nay, toàn tỉnh có đến 162/164 xã bị xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, hạn mặn còn làm đảo lộn sinh hoạt và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân.