Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển phong trào gofl nữ ở Việt Nam hiện nay?
Trên thực tế, phong trào golf nữ ở Việt Nam hiện nay vẫn có khoảng cách khá xa so với quốc tế vì chủ yếu người chơi vẫn là nam. Số lượng golfer nữ chỉ chiếm khoảng 20% số người chơi trong nước.
Tuy nhiên, nếu đánh giá chung thì golf nữ Việt Nam đã có bước tiến dài trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, với số lượng ngày càng tăng, chất lượng cũng đi lên. Hồi đầu tháng 10, CLB golf nữ lâu đời nhất Việt Nam Queen Club vừa kỷ niệm 10 năm ngày thành lập.
Có thể nói gần như Queen Club đã đồng hành cùng sự phát triển của golf nữ nước nhà. Từ thời kỳ đầu chỉ có vài chị em đánh golf cùng nhau, cho đến bây giờ con số này đã lên tới hàng trăm người.
Bên cạnh đó, họ cũng cho con em mình tiếp cận bộ môn này sớm, thành tích cũng rất tốt. Điều này cũng góp phần lớn vào việc phát triển phong trào golf trong nước.
Theo ông, phong trào golf nữ ở Việt Nam phát triển theo xu hướng nào?
Việt Nam có 2 xu hướng nổi bật, một là về thành tích thi đấu thì có các golfer chuyên nghiệp hoặc những VĐV trẻ đỉnh cao như Nguyễn Thảo My hay Hanako Kawasaki. Đây đều là những VĐV nghiệp dư đã thi đấu nhiều năm nay cho đội tuyển quốc gia, có thành tích tốt nhất trong nước. Ngoài ra, còn có Tăng Thị Nhung là VĐV chuyên nghiệp duy nhất của Việt Nam thi đấu.
Thứ hai là những nữ VĐV đến từ giới Showbiz như chị Thúy Hằng, Thúy Hạnh, MC Thu Hoài…Một số Hoa hậu, người đẹp dự Tiền Phong Golf Championship 2020 như Hoa hậu Ngọc Hân, Jennifer Phạm, Á hậu Huyền My, người đẹp Thanh Tú…Họ vừa là người chơi, vừa tham dự sự kiện với tư cách khách mời, thời trang của họ ở trên sân cũng rất đẹp. Đó cũng là một điều tốt để phát triển phong trào golf nữ tại Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về quy mô của các CLB golf nữ và các giải golf nữ ở Việt Nam?
Hiện nay, các giải golf nữ Việt Nam vẫn chỉ mang tính chất phong trào là chính. Queen Club là CLB thường xuyên tổ chức các giải đấu hàng năm, để chị em có sân chơi tập luyện và giao lưu. Đây giống như ngày hội của các golfer nữ, đến để chia sẻ về các câu chuyện hàng ngày như gia đình, công việc và chuyện chơi golf.
Tuy nhiên, nếu như nói các giải đấu mang lại tính chuyên môn và thành tích cao thì ở Việt Nam các giải golf nữ gần như là không có, chỉ duy nhất có giải vô địch nghiệp dư nữ quốc gia. Bên cạnh sự góp mặt của các golfer nữ trong nước, thì cũng giải đấu còn mời các golfer nước ngoài để tạo điều kiện cho chúng ta cọ sát, tích luỹ kinh nghiệm. Qua đó, chúng ta đánh giá được trình độ hiện tại của chúng ta đang ở đâu.
Như trường hợp của Thảo My, lên ngôi vô địch rất dễ dàng ở Việt Nam. Nhưng khi có yếu tố nước ngoài thì cuộc đua trở nên hấp dẫn hơn, sự cạnh tranh được nâng lên rất nhiều để các em nỗ lực chứng minh được khả năng của mình trên sân nhà.
Hiện nay, số lượng golfer nữ đang còn khá ít. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để phát triển phong trào golf nữ hơn nữa trong tương lai?
Như tôi đã nói, nếu đánh giá chung phong trào golf nữ vẫn đang phát triển khá ổn với số lượng golfer ngày càng tăng. Các CLB golf nữ thường tổ chức các buổi tập luyện và thi đấu cùng nhau. Các bảng nữ gần đây đã xuất hiện nhiều hơn và được chú trọng hơn, trong khi các giải đấu riêng dành cho nữ cũng đã ra đời.
Tuy nhiên để phát triển golf nữ đến trình độ cao vẫn là điều cực kỳ khó. Hiện tại, ít có gia đình nào hướng con gái mình vào bộ môn này để phát triển lên đỉnh cao cả. Có rất nhiều vấn đề như việc học tập, đầu tư tài chính hay thậm chí cả dưỡng da khi ra nắng. Trong khi đó, golf đỉnh cao là một môi trường cực kỳ khắc nghiệt, không phải chỉ đam mê thôi là đủ.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Ông Vũ Nguyên tốt nghiệp Thạc sỹ Thiết Kế tại Đại Học Raffles Design & Commerce tại Sydney, Úc và đồng thời có bằng quản lý golf của PGA International Golf Institute tại Úc. Tháng 3/2016, ông trở thành trọng tài Golf Quốc Tế với chứng chỉ Level 3 của R&A. Ông bắt đầu hỗ trợ chuyên môn cho Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) từ tháng 8/2015 và đóng góp vào công tác phát triển chuyên môn, đặc biệt là Luật Golf, Điều hành giải đấu và phát triển Hệ thống Handicap Quốc Gia tại Việt Nam. Tháng 1/2019, ông được bầu vào Ban Chấp Hành VGA, đồng thời giữ chức vụ Phó Tổng Thư Ký VGA nhiệm kỳ III (2016-2019).