1. Nguyễn Thảo My (19/4/1998)
Nguyễn Thảo My sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao. Bố cô là ông Nguyễn Huy Tiến- hiện là phó trưởng bộ môn golf- Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Hồi còn nhỏ, Thảo My chơi tennis. 12 tuổi, cô chuyển hẳn sang chơi golf, sau khi ông Tiến được giao phụ trách môn golf của Hà Nội năm 2010.
Nhận thấy con gái có tố chất ở môn này, ông Tiến quyết định đầu tư nghiêm túc cho Thảo My bằng việc thuê chuyên gia người Mỹ - HLV đầu tiên của đội tuyển golf Việt Nam Robert Bicknell kèm cặp. Thời điểm đó, chuyên gia Robert Bicknell đánh giá, Thảo My hội tụ đầy đủ các yếu tố từ thể hình, tư duy, lối chơi, các kỹ năng và cá tính của một ngôi sao golf.
Và dự đoán của ông Robert Bicknell đã thành hiện thực. Sau 4 năm rèn giũa, gặt hái nhiều thành tích ở giải trẻ (vô địch trẻ quốc gia mở rộng 2014, 2015, 2016), Thảo My vụt sáng trở thành golfer nữ số 1 Việt Nam với ba lần vô địch nữ quốc gia (năm 2014; 2015 và 2019); vô địch đối kháng quốc gia 2016; VĐV tuyển quốc gia dự SEA Games 28 và 29... Cô từng lọt Top 300 thế giới trên BXH các golfer nghiệp dư thế giới.
Trong khoảng thời gian du học tại Mỹ, Thảo My tiếp tục đạt được nhiều thành công trong học tập và thi đấu golf cho trường đại học UNCW (University of North Carolina Wilmington). Tháng 10 vừa qua, golfer sinh năm 1988 đã nhận bằng tốt nghiệp đại học và chính thức trở về Việt Nam để bắt đầu sự nghiệp, theo đuổi niềm đam mê golf của mình. Không chỉ tham gia thi đấu, Thảo My còn mở lớp dạy golf miễn phí cho các em nhỏ để thúc đẩy phong trào golf nước nhà.
Thảo Mỹ sẽ tham gia tranh tài tại Tiền Phong Golf Championship 2020. Sự góp mặt của một trong những golfer nữ hàng đầu đất nước sẽ tạo động lực và truyền cảm hứng cho các golfer trẻ khác thi đấu ở giải đấu gây quỹ cho Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam.
2. Hanako Kawasaki (14/12/1999)
Hanako Kawasaki có mẹ là người Việt và bố là người Nhật. Tài năng tiềm ẩn của nữ golfer sinh năm 1999 được phát hiện năm 2012, trong lần đầu tiên cùng người thân đi chơi golf. Kể từ đó, nữ golfer với 2 dòng máu Việt - Nhật đã được gia đình đầu tư thuê thầy ngoại, tạo điều kiện tốt nhất để tập luyện môn thể thao vốn ít phổ biến đối với giới trẻ lúc bấy giờ.
Hanako được đánh giá là “kỳ phùng địch thủ” của Thảo My ở các giải golf quốc nội. Cô sở hữu bảng thành tích đồ sộ với 7 chức vô địch quốc gia (vô địch nữ quốc gia năm 2016, 2018, 2020; vô địch trẻ quốc gia mở rộng 2017, 2019; vô địch đối kháng quốc gia 2017, 2018); VĐV tuyển quốc gia dự SEA Games 29.
Hiện tại, Hanako đang theo học tại Đại học Boston (Mỹ) danh giá, đồng thời tham gia đội tuyển golf của trường và đã có 3 chức vô địch danh giá, đỉnh cao là chức vô địch cá nhân Patriot League Championship 2019. Dù có tình yêu golf mãnh liệt, “bông hồng lai” cho biết cô sẽ không đi theo con đường thi đấu chuyên nghiệp, mà tập trung vào việc học tập, nâng cao kiến thức.
3. Đoàn Xuân Khuê Minh (18/4/2003)
Khuê Minh được mệnh danh là “viên ngọc sáng của làng golf Việt”. Nữ golfer sinh năm 2003 đã chứng minh tài năng của mình khi đăng quang giải nữ quốc gia 2017 ở tuổi 14, trở thành nhà vô địch trẻ nhất trong lịch sử của giải. Cũng trong năm này, cô trở thành VĐV nhỏ tuổi nhất của đoàn thể thao Việt Nam thi đấu tại SEA Games 29.
Giống như các đàn chị, Khuê Minh tiếp cận bộ môn golf từ khác sớm, lúc 10 tuổi, với mục đích rèn tính tập trung, cẩn thận. Dù ít tuổi nhưng Khuê Minh có tâm lý thi đấu rất vững. Hiện tại, Khuê Minh đang học phổ thông bên Úc. Mục tiêu trước mắt của nữ golfer sinh năm 2003 là học tập tốt, luyện tập golf theo lộ trình để nhận học bổng đại học Mỹ, thi đấu tốt cho đội tuyển golf Việt Nam.
“Phong trào golf nữ của Việt Nam đã phát triển trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây. Số lượng golfer nữ hiện chiếm khoảng 20% số người chơi trong nước. Hiện nay, Nguyễn Thảo My, Hanako Kawasaki, Đoàn Xuân Khuê Minh được đánh giá là thế hệ golf trẻ đầy tiềm năng, được kỳ vọng sẽ giúp bộ môn golf Việt Nam rút ngắn khoảng cách trên đấu trường quốc tế”, ông Vũ Nguyên- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam.