Đổi mới để phục vụ người dân
Nhìn lại năm 2017, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đánh giá, năm qua, BHXH Việt Nam đã bám sát các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cũng tích cực, chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện và thực hiện pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo bà Minh, BHXH Việt Nam cũng triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Nhờ đó, chỉ tiêu bao phủ BHYT đạt và vượt so với nhiệm vụ Chính phủ giao. Ngoài ra, ngành cũng thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, quản lý và sử dụng các Quỹ an toàn, hiệu quả.
Cũng theo người đứng đầu BHXH Việt Nam, năm qua ngành cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ, chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia BHXH. Đặc biệt, ngành đã thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động khám chữa bệnh để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT….
Thời gian tới, bà Minh kiến nghị Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH, kế hoạch sử dụng kinh phí BHYT đến từng địa phương; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có giải pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp không còn hoạt động, giải thể, phá sản để đảm bảo quyền lợi người lao động. Bà Minh cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức đầu thầu tập trung đối với một số vật tư y tế có tỷ trọng sử dụng lớn và nhiều mức giá…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2017 của ngành BHXH. Tuy vậy, theo Phó Thủ tướng, ngành BHXH còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện được mục tiêu thời gian tới có 50% số lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN.
Trục lợi là tham nhũng
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra những khó khăn ngành BHXH cần thực hiện, để tạo ra chuyển biến trong năm 2018, đặc biệt là khắc phục tình trạng trốn đóng, trục lợi BHXH vẫn còn rất lớn. “Nhìn qua số liệu tại Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin đã thấy rõ gian lận, trục lợi BHYT hầu như tỉnh nào cũng có, cơ sở khám chữa bệnh nào cũng có. Việc trục lợi BHXH, BHYT làm cho quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, do đó cần chú trọng vấn đề này và phải lên án. Hành vi trục lợi BHXH, BHYT này là tham nhũng, phải khẳng định như vậy”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng, tình trạng trục lợi, gian lận BHXH, BHYT do xử phạt chưa nghiêm, chưa công khai. “Phải đặt ra ai để 1 người trong 1 năm đi khám bệnh BHYT tới 273 lần, cơ sở khám chữa bệnh tiếp tay cho việc đấy như thế nào? Trục lợi BHXH, BHYT còn ở chỗ thu tiền của người lao động rồi dùng làm việc khác hoặc “ôm” bỏ trốn. Đã ai bị kỷ luật vì để xảy ra việc này chưa? Tất cả phải làm nghiêm, công khai, minh bạch lên để cả xã hội giám sát”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu BHXH Việt Nam phối hợp tốt với các bộ ngành, địa phương thực thi chính sách trên nguyên tắc: Đóng - hưởng, chia sẻ và bền vững Quỹ. Qua đó giúp kiểm soát việc doanh nghiệp kê khai 2 bảng lương, chuyển giá, trốn thuế. Đồng thời, ngành BHXH tăng cường các hoạt động thu hút thêm người dân tham gia BHXH; tăng cường giám định việc chi trả BHYT để ngăn chặn trục lợi. Ngoài ra, BHXH Việt Nam được yêu cầu tiếp tục thực hiện đấu thầu thuốc chi trả của BHYT, cùng với Bộ Y tế kéo giá thuốc năm nay giảm từ 10% - 15%…
Nhiều kỷ lục
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho hay, hết năm 2017, cả nước đã có trên 13,8 triệu người tham gia BHXH; 79,9 triệu người tham gia BHYT (tỷ lệ bao phủ đạt 86,4% dân số, vượt 2,1% kế hoạch Thủ tướng giao); khoảng 11,4 triệu người tham gia BHTN. Tổng số thu của ngành đạt khoảng 290.000 tỷ đồng (vượt 1% kết hoạch) - là mức thu kỷ lục của ngành từ trước tới nay. Cùng đó, tỷ lệ nợ BHXH xuống dưới 3% - mức thấp nhất từ trước tới nay (giảm 0,8% so với năm 2016).
Tổng số chi trả BHXH, BHYT, BHTN năm qua trên 270.000 tỷ đồng. BHXH Việt Nam đã giải quyết cho 142.000 người hưởng BHXH hàng tháng; 717.000 lượt người hưởng trợ cấp BHXH 1 lần; 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 620.000 người hưởng chế độ BHTN; hỗ trợ học nghề 32.000 người; chi trả khám chữa bệnh BHYT cho 165 triệu lượt người…
Trong ứng dụng công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện các phần mềm quản lý nghiệp vụ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, cấp mã số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình; vận hành Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin, Trung tâm dịch vụ khách hàng… Qua Hệ thống thông tin giám định tự động BHYT đã tiết giảm 4.800 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh, góp phần kiểm soát chi, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT…
Năm 2017, BHXH Việt Nam đã cắt giảm từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục hành chính, cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Qua đó đã góp phần cải thiện xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018 (Ngân hàng Thế giới công bố), Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 14 bậc so với năm 2016. Trong đó, riêng chỉ số nộp thuế, BHXH tăng 81 bậc so với năm 2016, lên thứ 86/190 quốc gia, trong đó chủ yếu tới từ cải cách của BHXH Việt Nam.