Phó Thủ tướng: Sản xuất được máy thở trong nước có ảnh hưởng sống còn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
TPO - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước có ảnh hưởng sống còn đến quá trình kiểm soát dịch bệnh ở nước ta.

Chuẩn bị để đối phó với tình huống xấu nhất

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 141/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Phó Thủ tướng, việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở cho hoạt động khám chữa bệnh nhân là đặc biệt quan trọng và cần thiết, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu sử dụng máy thở tăng cao, khả năng đáp ứng máy thở sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, khả năng sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không đủ cung ứng nhu cầu các nước trên thế giới, gây khó khăn cho việc đặt mua máy thở của Việt Nam từ nước ngoài.

Vì thế, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước có ảnh hưởng sống còn đến quá trình kiểm soát dịch bệnh ở nước ta.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao một số doanh nghiệp trong nước đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị y tế phòng chống dịch như camera đo thân nhiệt từ xa, máy thở. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cần nhanh chóng chuẩn bị đủ các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là máy thở, sẵn sàng các phương án ứng phó, kể cả với tình huống xấu nhất.

Miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất máy thở

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ số lượng các loại máy thở hiện đang sử dụng và dự trữ, đồng thời đánh giá đầy đủ nhu cầu máy thở cho các kịch bản và xây dựng kế hoạch huy động, đặt hàng sản xuất mới.

Bộ Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất máy thở trong nước để chủ động trong nghiên cứu và sản xuất; nghiên cứu kiến nghị của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy thở trong nước như ban hành tiêu chuẩn về máy thở, hỗ trợ thiết bị đo lường, thực hiện thủ tục thông quan và miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất máy thở.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, khẩn trương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 6/4/2020.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm định, đánh giá thử nghiệm máy thở sản xuất trong nước để có thể đưa ra sử dụng kịp thời, góp phần vào việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng đã chính thức bắt tay vào sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt. Dự kiến tập đoàn này sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y Tế Việt Nam với đúng giá thành linh kiện, và không tính tất cả các chi phí vận chuyển, thuế các loại, chi phí nhân công, sản xuất… vào giá thành. Trước mắt, Vingroup sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở Không Xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch.

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.